Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bệnh lý cột sống có thể chia làm 3 nhóm: bệnh lý cột sống do viêm, không do viêm và bẩm sinh. Khi cột sống bị viêm, không được cải thiện kịp thời, các đốt sống, sụn và đĩa đệm sẽ bị tổn thương (bào mòn và hư hỏng) theo thời gian.
Hiện tượng hợp nhất các đốt sống gọi là viêm cột sống dính khớp. Trường hợp dính cột sống với xương chậu, ảnh hưởng đến khớp cùng chậu và trở thành viêm khớp cùng chậu. Đây là căn bệnh mạn tính với hai đặc trưng là cứng khớp (Ankylosis) và viêm cột sống (Spondylitis).
Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm nhiễm mạn tính ở các khớp của cột sống, khiến khớp dính lại với nhau, gây ra tình trạng khó cử động cột sống. Không điều trị kịp thời có thể dẫn đến còng lưng. Bệnh cũng có thể dẫn đến dính và biến dạng toàn bộ cột sống cùng hai khớp háng, thậm chí là tàn phế.
- Các biến chứng của bệnh: Cột sống giảm linh hoạt, các đốt sống ở cột sống dính với nhau (hợp nhất) khiến sống lưng khó cử động, nhất là phần lưng dưới. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc di chuyển và thay đổi tư thế của cơ thể.
Tổn thương các khớp quan trọng, viêm cột sống có thể lan rộng ra các khớp quan trọng khác như khớp hông và khớp gối, khiến phạm vi chuyển động của cơ thể càng bị thu hẹp lại.
Hội chứng chùm đuôi ngựa, cột sống dính lại, đè lên rễ của chùm thần kinh đuôi ngựa, làm đau nhức, tê, giảm cử động vùng từ thắt lưng chạy dọc xuống 2 chân. Đây chính là biến chứng nguy hiểm của Viêm cột sống dính khớp - hội chứng chùm đuôi ngựa (Cauda Equina).
Tăng nguy cơ loãng xương cột sống, nguy cơ loãng xương (chủ yếu là ở cột sống) cao hơn ở những bệnh nhân viêm cột sống dính khớp. Bệnh càng kéo dài, rủi ro loãng xương càng tăng và xương cột sống dễ bị rạn, gãy khi có lực tác động. Bệnh lý này cần phải được phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng, đảm bảo chất lượng sống của người bệnh tốt hơn, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nếu nhận thấy cơn đau thắt lưng hoặc đau hông bất thường, nhất là khi khi tập thể dục hoặc cử động, cơn đau có chiều hướng giảm nhẹ, nhưng khi nghỉ ngơi cảm giác đau lại trở nên trầm trọng hơn, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức. Trường hợp đau sống lưng, kèm theo hiện tượng đỏ mắt, đau mắt và mờ mắt, người bệnh cần kết hợp thăm khám xương khớp và mắt để ra đúng nguyên nhân.
- Đối tượng dễ mắc bệnh: Nhóm nguy cơ cao khởi phát chủ yếu ở nhóm tuổi vị thành niên và thanh niên dưới 30 tuổi. Những đối tượng khác vẫn có thể mắc bệnh, nhất là trong các trường hợp từng bị viêm khớp hoặc thoái hóa cột sống; gia đình có người bị viêm cột sống dính khớp; người bị liệt hoặc hoặc nằm bất động trong thời gian dài.
- Chẩn đoán triệu chứng: Khi thăm khám, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh uốn cong lưng về trước hoặc về sau để kiểm tra phạm vi chuyển động của cột sống. Bằng thao tác ấn vào các điểm cụ thể dọc cột sống hoặc xương chậu, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ đau và những khu vực chịu ảnh hưởng của cơ đau.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định chụp X-quang hoặc cộng hưởng từ MRI để thấy rõ trạng thái của cột sống và các khớp liên quan; xét nghiệm máu để xác định có hoặc không sự tồn tại của gen HLA - B27.
Kết quả chẩn đoán cho biết tình trạng cụ thể của cột sống và khớp chịu tổn thương liên đới. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Viêm khớp cùng chậu
Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm nhiễm, sưng đau ở khớp nối xương cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và xương cánh trên. Viêm khớp cùng chậu có thể làm đau lan sang hông, mông, thắt lưng và hai chân. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh, dẫn tới nguy cơ teo cơ.
Viêm khớp cùng chậu thường khó chẩn đoán do dễ bị nhầm lẫn là triệu chứng của một số vấn đề về cột sống, đặc biệt là thoái hóa cột sống lưng.
- Triệu chứng: Bệnh có triệu chứng tương tự như viêm khớp, cơn đau viêm khớp cùng chậu chủ yếu tập trung ở mông và lưng dưới, có thể lan ra háng, bắp chân và bàn chân. Cơn đau dai dẳng và âm ỉ giống như đau thần kinh tọa. Đau nhức gia tăng khi đứng hoặc ngồi lâu, mang vác đồ nặng, leo cầu thang, bước dài hoặc chạy nhảy...
Một số vấn đề khác như giảm phạm vi chuyển động do khớp bị căng cứng gây khó khăn cho người bệnh mỗi khi bước lên cầu thang hoặc cúi thấp người. Chuyển động ở lưng dưới, hông, xương chậu và háng bị hạn chế, người bệnh không thể co duỗi chân, khoanh tròn hay chạy nhảy. Vùng da quanh xương chậu và xương cụt có thể bị ửng đỏ kèm theo cảm giác bỏng rát. Ngoài ra, còn một số dấu hiệu như mệt mỏi, buồn nôn, sốt... kéo dài; người bệnh luôn trong trạng thái bất an, lo âu.
Chấn thương khi chơi thể thao, hoặc tai nạn lao động, tai nạn giao thông gây tác động đến vùng xương chậu. Người làm công việc phải đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài cũng có nguy cơ đau vùng xương chậu, dần dần sụn và xương dưới sụn của khớp cùng chậu hoạt động kém linh hoạt khiến chức năng khớp cùng chậu bị suy giảm dẫn đến viêm. Người thường xuyên mang vác nặng cũng có nguy cơ. Đối tượng khác là người bị nhiễm trùng phụ khoa hoặc viêm đại tràng có thể lan rộng sang vùng xương chậu, đây chính là điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của bệnh viêm khớp vùng chậu.
Bệnh hẹp ống sống
Bệnh hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị thu hẹp do các nguyên nhân khác nhau, làm chèn ép lên tủy sống hoặc các rễ dây thần kinh. Tùy theo vị trí ống sống bị hẹp mà bệnh được chia thành hai loại chính: hẹp ống sống cổ và hẹp ống sống thắt lưng.
Thống kê cho thấy, đối tượng mắc bệnh hẹp ống sống đa phần từ độ tuổi 50 trở lên. Tỷ lệ người trẻ mắc bệnh hẹp ống sống không nhiều. Thế nhưng dù đối tượng nào thì căn bệnh này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của người bệnh. Hẹp ống sống thắt lưng chiếm khoảng 75%. Bệnh tiến triển khá chậm. Có người mắc bệnh và xuất hiện triệu chứng một cách đột ngột.
- Nguyên nhân gây ra hẹp ống sống: Một số ít trường hợp bẩm sinh đã có một phần ống sống hẹp hơn so với người bình thường. Còn lại đa phần bệnh nhân hẹp ống sống chủ yếu là đối tượng từ 50 tuổi trở lên, có nguyên nhân bao gồm, thoái hóa cột sống khiến cho gai xương hình thành từ thân đốt sống. Gai xương phát triển vào bên trong ống sống rồi chèn ép vào tủy sống.
Thoái hóa dây chằng cột sống, nhất là dây chằng dọc sau và dây chằng vàng. Dây chằng bị thoái hóa sẽ dày hơn, làm hẹp lòng của ống sống. Người bị viêm khớp cột sống, các khớp xương sẽ to lên so với bình thường. Khớp xương chèn ép vào ống sống làm cho ống sống bị thu hẹp lại.
Người bị thoát vị đĩa đệm, nhân nhện đĩa đệm sẽ phình to hoặc thoát khỏi vị trí ban đầu. Người bị chấn thương cột sống, hoặc đã từng phẫu thuật cột sống. Các nguyên nhân khác do một số chứng bệnh về xương khớp như viêm khớp cột sống, bệnh Paget, u cột sống...
- Triệu chứng bệnh hẹp ống sống: Ở mức độ nhẹ, người bệnh cảm thấy đau mỏi âm ỉ khó chịu ở nơi bị tổn thương. Ở mức độ trung bình, xen giữa những cơn đau âm ỉ là cảm giác đau dữ dội, lan dần từ cổ xuống vùng vai gáy tạo thành hội chứng vai gáy. Bệnh nhân có thể cảm thấy tê hoặc ngứa ran ở vùng vai gáy. Mức độ nặng, cơn đau sẽ gia tăng. Đau dữ dội nhiều lên, đau lan xuống hai cánh tay. Cảm giác tê ngứa cũng dần mở rộng và rõ ràng hơn.
Đi cùng với đó là tình trạng yếu một hoặc cả hai cánh tay, khó cầm nắm, viết chữ. Khi bệnh tiến triển nặng, có thể gây liệt, liệt tứ chi và tàn phế.
- Triệu chứng hẹp ống sống thắt lưng: Triệu chứng thể hiện từ nhẹ đến nặng. Cơn đau âm ỉ xuất hiện ở vùng thắt lưng và lan ra vùng mông đùi. Các cơn đau dần nặng hơn, xen lẫn giữa những cơn đau âm ỉ là các cơn đau dữ dội. Mức độ trung bình: cơn đau sẽ lan ra khắp vùng mông, đùi và xuống chân. Các rễ dây thần kinh bị chèn ép mà tạo ra cảm giác đau nhức và tê nóng. Cảm giác tê và ngứa ran. Cuối cùng là biến chứng đau dây thần kinh tọa. Hai chân trở nên yếu hơn và khó kiểm soát hoạt động đi lại. Đây là nguyên nhân gây ra liệt nếu không điều trị.
- Biến chứng bệnh hẹp ống sống: Hẹp ống sống là một căn bệnh mạn tính xuất hiện chủ yếu do tiến trình lão hóa của cơ thể. Xương cột sống bị thoái hóa dần hình thành bệnh. Biến chứng nghiêm trọng không nhiều, đa số chỉ dừng ở việc đau đớn vai gáy, đau chân khi đi bộ. Một số ít trường hợp bị cảm giác đau dai dẳng tồn tại, hoặc liệt tứ chi. Nguyên nhân là do chứng viêm tắc động mạch chi dưới.
Bệnh nhân hẹp ống sống cổ có thể nguy hiểm hơn do chèn ép vào tủy sống, nguy hiểm nhất là tình trạng liệt tứ chi.
- Chẩn đoán bệnh hẹp ống sống: Việc chẩn đoán bệnh hẹp ống sống bên cạnh những dấu hiệu lâm sàng thì cần phối hợp với chẩn đoán hình ảnh. Tất cả phương pháp đều được áp dụng nhằm kiểm tra xem ống sống có tạo ra ảnh hưởng tới các rễ dây thần kinh và tủy sống hay không
Phương pháp gồm chụp Xquang, CT Scanner, cộng hưởng từ MRI. Trong đó chụp cộng hưởng từ MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, thông qua năng lượng từ kết hợp với máy tính. Phương pháp này cho phép hiển thị hình ảnh của rễ dây thần kinh, tủy sống cùng các vùng xung quanh. Nếu xuất hiện tình trạng phì đại, có khối u hoặc thoái hóa thì đều dễ dàng nhìn thấy được; làm tủy đồ.
- Điều trị bệnh hẹp ống sống
Phương pháp điều trị bảo tồn: áp dụng cho những người bị bệnh hẹp ống sống mức độ nhẹ hoặc trung bình. Kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu. Thuốc được sử dụng chủ yếu thuốc giảm đau - chống viêm. Vật lý trị liệu sẽ điều chỉnh tư thế cho người bệnh, kéo giãn cơ... giảm triệu chứng.
Vật lý trị liệu: tập trung vào vận động để giúp giảm triệu chứng của bệnh. Người bệnh sẽ thay đổi thói quen từ từ, mở rộng ống sống tự nhiên. Các đợt trị liệu trong vòng từ 4-6 tuần. Ngoài ra có thể massage, chườm nóng - lạnh, châm cứu - bấm huyệt...
Điều trị nội khoa cũng là một phần của liệu pháp bảo tồn. Người bệnh sẽ được dùng thuốc để giảm bớt các triệu chứng của bệnh hẹp ống sống. Bác sĩ cũng có thể áp dụng phương pháp tiêm cortisone ngoài màng cứng để giảm đau cho bệnh nhân, mục đích làm giảm triệu chứng tạm thời chứ không thể điều trị hoàn toàn.
Điều trị phẫu thuật khi các phương pháp điều trị khác đã áp dụng nhưng không đem đến hiệu quả. Bệnh nhân có những triệu chứng nặng làm giảm vận động, có xu hướng tiến triển thành chứng khiếm khuyết thần kinh.
Thảo Trang (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Để đặt lịch khám với Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, độc giả điền thông tin tại đây, hoặc liên hệ:
Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
- Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội
Hotline: 1800 6858
- TP HCM:
2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM
Hotline: 0287 102 6789