Cái gì gọi là biên chế? Là vị trí công tác không thể thiếu trong bộ máy tổ chức nhân sự. Một loạt các biên chế sắp xếp theo hệ thống gọi là bộ khung. Từ bộ khung này, các biên chế sẽ yêu cầu bộ phận nhân sự tuyển dụng người mà mình cần.
Những nhân sự này là nhân sự không biên chế có chức năng giúp cho biên chế hoàn thành nhiệm vụ mà thôi. Để dễ hiểu ta lấy ví dụ từ quân đội. Một tiểu đoàn gốm 4 đại đội. Một đại đội gồm 4 trung đội và một trung đội có 4 tiểu đội. Tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng và tiểu đoàn trưởng là những biên chế.
Lúc không có chiến tranh, tiểu đoàn làm nhiệm vụ huấn luyện cho tân binh nghĩa vụ quân sự. Một tiểu đội có 10 người lính trong đó trừ biên chế tiểu đội trưởng thì 9 người lính kia là tân binh nghĩa vụ quân sự. Hết hạn nghĩa vụ quân sự, tân binh giải ngũ ai về nhà nấy nhưng bộ khung biên chế vẫn tồn tại, vâng, chính là quân nhân chuyên nghiệp.
Bộ khung này lại tiếp tục huấn luyện quân sự cho những tân binh mới. Mở rộng ra, mọi tổ chức kinh doanh, hành chính, sản xuất, khoa học... nhà nước hoặc tư nhân đều có những bộ khung biên chế như thế.
>> Nếu sếp không thích, nhân viên làm sao nịnh?
Đã gọi là biên chế, đương nhiên nó có tính chất suốt đời trừ phi cái tổ chức ấy giải thể. Người có biên chế là về mặt lý thuyết anh ta được làm công việc đó suốt đời trừ phi anh ta bị kỷ luật hoặc được thăng chức lên cấp biên chế cao hơn.
Bộ khung biên chế cũng chính là hệ thống cấp - chức từ đó mới có chuyện thăng chức - cách chức. Cấp là quy mô, chức là quyền hạn.
Ví dụ, tiểu đội trưởng là chức vụ với quyền hạn nằm trong quy mô tiểu đội. Anh tiểu đội trưởng có quyền chỉ huy lính của tiểu đội của mình và không có quyền chỉ huy bất kỳ người lính nào không nằm trong tiểu đội đó. Như vậy, tôi là nhân viên của phòng kinh doanh, tôi chả việc gì phải chào hỏi nịnh nọt ông trưởng phòng kế hoạch vật tư hoặc ông giám đốc phụ trách tài chính vì tôi chả phải là "lính" của mấy ông này.
Là nhân viên thì tôi không ở trong biên chế, thời hạn làm việc của tôi theo hợp đồng lao động với mức lương thỏa thuận. Còn người có biên chế thì hưởng lương theo tiêu chuẩn mà cái tổ chức ấy quy định. Người có biên chế hoàn thành nhiệm vụ có hiệu quả cao, trước thời hạn, ít tốn chi phí... thì được thưởng thêm bao nhiêu, ngược lại sẽ bị mức độ kỷ luật gì. Để đánh giá biên chế chỉ có biên chế cấp cao hơn.
Nhân viên không biên chế đánh giá biên chế là vô nghĩa. Tương tự, chỉ có biên chế đánh giá nhân viên, không có chuyện ngược lại. Tôi thuê anh làm việc cho tôi thì tôi đánh giá anh chứ sao anh đánh giá tôi được. Từ đó, kiểm điểm, bình bầu các kiểu là vô nghĩa. Làm những chuyện vô nghĩa như vậy thì thế thôi.
Từ biên chế suy ra ê kíp làm việc. Tôi được cấp trên bổ nhiệm làm giám đốc công ty gì đó. Bộ khung biên chế của công ty phải do tôi toàn quyền bổ nhiệm. Nếu tôi không hoàn thành nhiệm vụ với cấp trên, tôi mất chức thì nguyên bộ khung ấy cũng "đi đứt" theo.
>> Người lao động có thể tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu
Cái đó gọi là "vua nào triều thần ấy". Từng vị trí trong biên chế do tôi bổ nhiệm có quyền yêu cầu tuyển dụng nhân sự theo ý họ. Tuy nhiên, nếu chẳng may người có biên chế ấy bị tôi cách chức thay bằng người khác, người kia muốn tuyển dụng nhân sự lại phải đợi những nhân sự ấy hết hạn hợp đồng lao động (hoặc sa thải luôn với một khoản bồi thường hợp đồng).
Đã gọi là biên chế thì vì sao có cái gọi là thừa (hoặc thiếu) biên chế ? Không thể có chuyện đó trừ phi biên chế cấp cao không thường xuyên đánh giá năng lực của biên chế cấp thấp thuộc quyền. Bộ khung biên chế là do người có biên chế cao nhất trong cái bộ máy ấy đặt ra. Khi người này rời khỏi chức vụ có biên chế ấy và thay bằng người khác, người mới sẽ tự đặt ra bộ khung biên chế mới. Ê kíp không do cấp trên trực tiếp bổ nhiệm (hoặc cách chức) sẽ dẫn đến chuyện "trên bảo dưới không nghe" và cuối cùng chả ai phải chịu trách nhiệm công việc với ai. Hậu quả là gì thì ai cũng biết khỏi cần nói ra.
Bộ khung biên chế không phải muốn đặt thế nào thì đặt, nó bị giới hạn bởi quỹ lương. Biên chế nhiều quá thì lương của từng người thấp đi và bộ máy sẽ rất trì trệ vì thiếu hoạt động tuyển dụng nhân sự. Nhân sự không biên chế vừa là nhân viên hợp đồng thời vụ đồng thời cũng là nguồn bổ sung cho biên chế khi có người trong biên chế bị cách chức - kỷ luật. Việc gì cũng do biên chế làm bảo sao không trì trệ?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.