Với nhiều người Mỹ, kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới năm nay có thể là hàng giờ ngồi xếp hàng tại điểm xét nghiệm hay lùng mua kit xét nghiệm nhanh trong vô vọng, khi Omicron đang dần lấn át Delta và trở thành chủng trội ở Mỹ.
Giới chuyên gia đánh giá tình cảnh hiện nay là bằng chứng rõ ràng nhất phơi bày lỗ hổng trong năng lực xét nghiệm của Mỹ, dù kịch bản này đã được dự đoán trước.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần hứa hẹn sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19, trong đó có phương án cung cấp kit xét nghiệm nhanh tại nhà cho người dân. Tuy nhiên giờ đây, họ phải thừa nhận rằng năng lực xét nghiệm của Mỹ một lần nữa lại hụt hơi trước biến chủng lây lan rất nhanh.
Tổng thống Biden thừa nhận với các thống đốc trong một cuộc họp trực tuyến hôm 27/12 rằng chính quyền của ông đáng lẽ cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo số kit xét nghiệm nhanh đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Chúng ta rõ ràng không đủ kit xét nghiệm. Nếu biết trước tình hình này, chúng tôi đã tích cực hơn, làm nhanh hơn", Tổng thống Biden nói, đề cập tới cơn bão Omicron đang quét qua nước Mỹ, gây áp lực cực lớn lên năng lực xét nghiệm.
Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News ngay trước Giáng sinh, Biden phủ nhận rằng tình trạng thiếu hụt xét nghiệm này là một "thất bại", song Tổng thống Mỹ thêm rằng ông ước nghĩ đến việc đặt mua 500 triệu kit xét nghiệm nhanh tại nhà "từ hai tháng trước".
Chính quyền Biden dự kiến phân phối 500 triệu kit xét nghiệm Covid-19 cho người dân từ tháng một năm sau.
Tuyên bố của Biden được cho là thẳng thắn, nhưng không giúp ích gì cho nỗ lực cải thiện niềm tin của công chúng, khi Nhà Trắng từng tuyên bố sẽ chặn đứng Covid-19, nhưng đôi khi lại đánh giá thấp sức mạnh của nó cũng như những thách thức mà virus gây ra.
Chính quyền đã đạt một số thành công quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 và thúc đẩy tiêm chủng. Nhưng trong lĩnh vực xét nghiệm, đây không phải lần đầu tiên Nhà Trắng phải chơi trò "đuổi bắt" với đại dịch.
Đảm bảo đủ năng lực xét nghiệm cho người Mỹ là một cam kết trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm 2020 của Biden. Trong bài phát biểu trước quốc gia hồi tháng ba, ông khẳng định "chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để cung cấp đủ số kit xét nghiệm tại nhà".
Hơn 9 tháng sau, Biden thừa nhận ông có thể đã làm chưa đủ. Để thiếu hụt năng lực xét nghiệm có thể là một đòn giáng chính trị nghiêm trọng đối với Biden, khi ông đang tìm cách khôi phục điểm tín nhiệm ảm đạm sau nhiều tháng sụt giảm.
Mỹ vẫn chật vật giải bài toán xét nghiệm, dù giới chuyên gia suốt nhiều tháng qua đã cảnh báo về khả năng xuất hiện biến chủng mới là điều "không thể tránh khỏi" và phổ biến rộng rãi kit xét nghiệm nhanh cho người dân là một trong những biện pháp quan trọng để ứng phó.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki từng chế nhạo ý tưởng gửi kit xét nghiệm tới tất cả người dân Mỹ, nhưng giờ đây, Tổng thống Biden lại chấp nhận mục tiêu này, cho thấy lập trường không nhất quán của chính quyền trong nỗ lực ứng phó đại dịch.
Sự hỗn loạn này khiến một số chuyên gia y tế công cộng thất vọng. "Thực sự đáng tiếc khi chúng ta không có số kit xét nghiệm cần thiết để có thể sử dụng như một công cụ ngăn chặn virus mạnh mẽ", tiến sĩ Chris Pernell, chuyên gia tại Đại học Y tế Dự phòng Mỹ, cho hay.
Tất cả điều này có thể tạo lợi thế đáng kể cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm sau, khi họ truyền đi thông điệp rằng Biden đã thất bại trong nhiệm vụ số một do ông tự đề ra: Đánh bại Covid-19.
Tranh cãi mới về xét nghiệm bùng lên sau một bước ngoặt quan trọng khác của diễn biến đại dịch. Mỹ ngày 26/12 báo cáo hơn 200.000 ca nhiễm mới và một số chuyên gia dự đoán con số này sẽ sớm đạt nửa triệu mỗi ngày.
Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy Omicron ít gây trở nặng và nhập viện hơn so với các biến chủng trước, với tốc độ lây lan nhanh như hiện nó, nó vẫn có thể gây quá tải hệ thống y tế dù chỉ một tỷ lệ rất nhỏ ca nhiễm diễn tiến nghiêm trọng.
Nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng ở những khu vực hiện vẫn phải vật lộn với biến chủng Delta và ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của chính phủ, thừa nhận hôm 27/12 rằng năng lực xét nghiệm có thể tốt hơn, bất chấp những cảnh báo từ các chuyên gia suốt nhiều tháng rằng nó thực sự chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế.
"Bạn biết đấy, xét nghiệm luôn là một vấn đề", Fauci nói với người dẫn chương trình Kaitlan Collins từ kênh CNN, thêm rằng tình hình thiếu hụt trở nên nghiêm trọng hơn do rất nhiều người dân Mỹ muốn làm xét nghiệm để đi du lịch trong kỳ nghỉ, ngay cả khi Omicron đang lây lan.
Tổng thống Biden gần đây đã thực hiện một số động thái nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lực xét nghiệm. Hồi đầu tháng, ông ra lệnh cho các công ty bảo hiểm y tế trả phí xét nghiệm tại nhà cho người dân, có thể lên tới 20 USD cho một bộ dụng cụ. Sau đó, ông hứa rằng sẽ cung cấp miễn phí nửa tỷ kit xét nghiệm nhanh, dù chúng sẽ chỉ bắt đầu được triển khai từ tháng tới.
Dù hành động này là cần thiết trong bối cảnh biến chủng Omicron đang bùng phát dữ dội, nó không thể xoa dịu tâm lý thất vọng và chán nản của những người Mỹ hiện không thể thực hiện xét nghiệm.
Xét nghiệm tại nhà không phải công cụ thần kỳ giúp chấm dứt đại dịch. Chúng không thể quan trọng bằng tiêm chủng hay mũi vaccine tăng cường, song phần nào giúp người Mỹ đưa ra những quyết định sáng suốt về sức khỏe cũng như kế hoạch của mình. Họ có thể xác nhận liệu một cái khịt mũi có thực sự là biểu hiện của Covid-19 hay không, qua đó giúp bảo vệ những người thân dễ bị tổn thương hoặc quyết định nghỉ làm nhằm tránh lây nhiễm cho người khác.
Tình trạng thiếu xét nghiệm trở nên đáng chú ý hơn kể từ khi Mỹ dẫn đầu thế giới trong nỗ lực triển khai nhanh chóng tiêm chủng trong một chương trình bắt đầu dưới thời chính quyền Donald Trump và được thực hiện quyết liệt bởi đội ngũ Nhà Trắng dưới chính quyền Biden.
Một số công ty từng tìm cách sản xuất kit xét nghiệm nhanh đã phàn nàn về quy trình xét duyệt cực kỳ khó khăn tại Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Họ cũng phàn nàn về tình trạng tràn lan chủng loại kit xét nghiệm, trong đó có cả những sản phẩm từ nước ngoài có thể không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, làm tổn hại đến độ chính xác trên phạm vi rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực chấm dứt đại dịch.
Tuy nhiên, tình cảnh hiện nay dường như cũng phần nào bắt nguồn từ nhiều cuộc khủng hoảng mà Nhà Trắng đối mặt thời gian qua, trong đó có chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan, khiến chính quyền Biden có thể lơ là trước Covid-19. Nhưng dù lý do là gì, Mỹ vẫn khó thoát khỏi đại dịch trong năm 2022, bình luận viên Stephen Collinson của CNN đánh giá.
Vũ Hoàng (Theo CNN)