"Thật khủng khiếp. Đó là điều kinh hoàng không thể chấp nhận được. Dựa trên báo cáo tôi nhận được, rất nhiều người đã bị giết một cách hoàn toàn vô nghĩa", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên tại bang Delaware hôm 28/3.
Tuyên bố được đưa ra sau khi lực lượng an ninh Myanmar bị cáo buộc đã giết ít nhất 107 người biểu tình, trong đó có 7 trẻ nhỏ, khi nước này kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ trang hôm 27/3.
Liên minh châu Âu (EU) cũng gọi tình trạng bạo lực ở Myanmar hôm 27/3 là "không thể chấp nhận". "Quân đội Myanmar khiến ngày hôm qua trở thành một ngày kinh hoàng và đáng hổ thẹn", quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói hôm 28/3.
Bộ trưởng Quốc phòng của 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản và Australia, cùng ngày cũng kêu gọi quân đội Myanmar ngừng sử dụng bạo lực, cũng như nỗ lực khôi phục sự tôn trọng và niềm tin của người dân, điều mà lực lượng này đã đánh mất sau những hành động bạo lực.
"Một quân đội chuyên nghiệp phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế về cách ứng xử và có trách nhiệm bảo vệ, chứ không phải gây tổn hại tới những người mà họ phục vụ", Bộ trưởng Quốc phòng 12 nước ra tuyên bố chung.
Quân đội Myanmar được cho là đã dùng bạo lực để trấn áp người biểu tình tại hơn 40 địa điểm khắp cả nước hôm 27/3, chủ yếu ở Mandalay và Yangon, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP). Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 107 người biểu tình Myanmar, trong đó có 7 trẻ em, đã thiệt mạng trong ngày này và con số sẽ còn tăng thêm. Hãng tin Myanmar Now trong khi đó đưa tin ít nhất 114 người biểu tình đã thiệt mạng trên khắp Myanmar trong ngày 27/3.
Người dân Myanmar gần như biểu tình phản đối quân đội hàng ngày kể từ sau khi xảy ra đảo chính hôm 1/2, khiến Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao trong chính phủ dân sự bị bắt. Quân đội Myanmar cam kết chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng sau khi bầu cử được tổ chức lại, nhưng chưa công bố thời gian.
Ngọc Ánh (Theo AFP)