"Quân đội chuyên nghiệp phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về ứng xử và có trách nhiệm bảo vệ chứ không phải làm hại những người mà quân đội phục vụ", Bộ trưởng Quốc phòng của 12 quốc gia bao gồm Australia, Canada, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Anh và Mỹ hôm nay ra tuyên bố chung.
"Chúng tôi kêu gọi lực lượng vũ trang Myanmar ngừng bạo lực và có động thái để khiến người dân Myanmar khôi phục sự tôn trọng và tín nhiệm đối với họ, điều mà lực lượng này đã đánh mất thông qua các hành động của mình", tuyên bố có đoạn viết.
Ngày Lực lượng Vũ trang Myanmar 27/3 trở thành ngày "đẫm máu" nhất kể từ khi biểu tình nổ ra để phản đối quân đội đảo chính hôm 1/2. Nhóm giám sát địa phương Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết bạo lực bùng phát trên khắp đất nước, quân đội bắn đạn thật tại hơn 40 thành phố, thị trấn ở 9 khu vực, bao gồm cả thành phố lớn nhất đất nước Yangon.
AAPP nói rằng ít nhất 90 người bị giết, cáo buộc quân đội Myanmar bắn súng máy vào các khu dân cư, khiến nhiều dân thường, trong đó có 6 trẻ em 10 - 16 tuổi thiệt mạng.
Trong khi đó, hãng tin Myanmar Now nói rằng 114 người tử vong, gồm 40 người ở Mandalay và 27 người ở Yangon. Nếu con số này chính xác, tổng số người biểu tình chết kể từ khi đảo chính là 440.
Mỹ và châu Âu tuần này siết lệnh trừng phạt với quân đội Myanmar. Nhưng các tướng lĩnh của Myanmar đã nhận được sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc, cả hai đều là thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Phương Vũ (Theo AFP)