Ngay trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc, khi coi nước này là "đối thủ chiến lược". Dù xuất hiện nhiều gương mặt quen thuộc từ thời cựu tổng thống Barack Obama, nội các mới dường như muốn gửi đi thông điệp rằng chính sách của họ với Bắc Kinh sẽ không giống như một thập kỷ trước.
Trong phiên điều trần xác nhận trước Thượng viện hôm 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận cựu tổng thống Donald Trump đã đúng khi thực hiện "cách tiếp cận cứng rắn hơn" với Trung Quốc. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Trump nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri Mỹ.
Trump đã tung ra nhiều công cụ chính sách hiếm khi được Mỹ sử dụng, bao gồm các đòn áp thuế nặng nề lên hàng hóa Trung Quốc, hạn chế quyền tiếp cận của Bắc Kinh đối với công nghệ nhạy cảm của Mỹ, trừng phạt quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền, đồng thời đảm bảo sự nhượng bộ kinh tế của Bắc Kinh trong thỏa thuận thương mại.
Tuy nhiên, những người chỉ trích Trump, bao gồm nhiều quan chức trong chính quyền Biden, đánh giá loạt lệnh hành pháp và các động thái khác của cựu tổng thống không nhất quán và rời rạc, thường mang tính biểu tượng hơn là hiệu quả thực tế.
Họ chỉ ra rằng ngay cả khi trừng phạt mạnh tay trên một số lĩnh vực, Trump vẫn "mở đường sống" cho hãng viễn thông Trung Quốc ZTE, trì hoãn các lệnh trừng phạt liên quan đến cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, hay công khai ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình khi tìm kiếm thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Bình luận viên Ana Swanson của NYTimes đánh giá nhiều hành động chống Trung Quốc của Trump cũng chưa hoàn thiện hoặc còn nhiều sơ hở. Theo báo cáo công bố hôm 17/2 của công ty tư vấn Rhodium Group và Trung tâm Trung Quốc thuộc Phòng Thương mại Mỹ, các chính sách của Trump thậm chí có thể đã làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ trên một số lĩnh vực.
Daniel Rosen, chuyên gia tại Rhodium Group, cho rằng chính quyền Biden cần xem xét cả những vấn đề nằm ngoài chính trị hoặc ý thức hệ khi xây dựng chiến lược ứng phó với Trung Quốc, bao gồm cân nhắc kỹ lưỡng cái giá phải trả với cách tiếp cận trong ngành công nghiệp như hiện nay.
"Rõ ràng vấn đề chính trị đang được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể đem lại lợi ích cho người dân Mỹ nếu không xem xét đồng thời cả lợi ích thương mại và lợi ích về an ninh quốc gia", Rosen cho hay.
Do đó, chính quyền Biden lập luận rằng họ sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu đối phó với Trung Quốc một cách chiến lược hơn. Họ đặt ra nhiệm vụ đầy tham vọng, không chỉ gồm kiềm chế hành vi thương mại bị coi là không công bằng của Trung Quốc, mà còn phát triển một chiến lược quốc gia giúp nâng cao vị thế kinh tế của Mỹ trước sức cạnh tranh của Trung Quốc.
Phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương cuối tháng trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ trước hết cần "cải thiện lại những yếu tố cơ bản của nền dân chủ", bằng cách xử lý các vấn đề như bất bình đẳng kinh tế và chủng tộc, đầu tư vào các công nghệ nổi bật hiện nay như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và năng lượng sạch. Trong khi đó, Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các đồng minh và tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, bình luận viên Swanson nhận định bất cứ nỗ lực nào của chính quyền Biden trong việc xây dựng chiến lược mới với Trung Quốc, bao gồm cân nhắc khả năng hợp tác về Covid-19 và biến đổi khí hậu, cũng sẽ đối mặt vô vàn thách thức. Giờ đây, bất kỳ mối liên hệ nào với Bắc Kinh cũng đều bị coi là hoàn toàn độc hại.
Các đối thủ chính trị, bao gồm những nghị sĩ Cộng hòa, đang soi xét từng phát ngôn từ đội ngũ của Biden. Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz đã làm trì hoãn việc xác nhận Gina Raimondo, ứng viên bộ trưởng thương mại của Biden, khi bà từ chối cam kết chắc chắn về việc không loại hãng viễn thông Trung Quốc Huawei khỏi danh sách đen, bất chấp những lời chỉ trích Bắc Kinh gay gắt của Raimondo.
Một số nghị sĩ Cộng hòa cũng chỉ trích Linda Thomas-Greenfield, người được Biden chọn làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, vì "tô hồng" hoạt động của Trung Quốc tại châu Phi và từng phát biểu tại Viện Khổng Tử, nơi mà cựu ngoại trưởng Mike Pompeo mô tả là "thực thể thúc đẩy hoạt động tuyên truyền và ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh".
"Chính quyền Biden sẽ bị soi xét vô cùng chặt chẽ khi làm bất cứ điều gì bị coi là nới lỏng cho Trung Quốc", Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á và từng làm nhà đàm phán thương mại cho Mỹ, nhận định.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen không coi những đòn thuế của Trump là "trọng tâm thích hợp" trong chính sách thương mại, dù bà cam kết sử dụng "đầy đủ" công cụ của Mỹ để chống lại những hành vi "trái phép, không công bằng và lạm dụng", đồng thời chỉ trích việc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, chính quyền Biden lại chưa đưa ra được nhiều chi tiết cụ thể về phương án hành động trong chiến lược ứng phó Trung Quốc của họ, như liệu có thực thi loạt lệnh hành pháp liên quan đến Bắc Kinh của Trump hay không, hoặc xử lý thỏa thuận thương mại giai đoạn một thế nào, trong bối cảnh Trung Quốc chưa hoàn thành cam kết mua hàng trăm tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định chính quyền Biden có các mục tiêu chính sách đối ngoại rõ ràng và nhiều công cụ thực thi, nhưng "chưa tìm ra cách để hợp nhất giữa chiến thuật và chiến lược".
Chuyên gia này cho rằng chính quyền Biden cần có một cuộc trao đổi sâu rộng hơn về vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc. "Liệu họ có sẵn sàng tham gia cuộc trao đổi này, phân tích kỹ lưỡng và đưa ra quyết định mới mẻ, hay sẽ lo sợ phản ứng dữ dội về chính trị?", ông đặt câu hỏi.
Ngay cả kế hoạch xích lại gần đồng minh của Biden nhằm gây áp lực lên Trung Quốc dường như cũng "nói dễ hơn là làm". Trong cuộc phỏng vấn tháng trước, ngay trước khi rời nhiệm sở, cựu đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer chỉ ra rằng thỏa thuận đầu tư EU vừa ký với Trung Quốc đã đi ngược lại kỳ vọng của chính quyền Biden. Ông gọi đây là "bằng chứng đầu tiên" cho con đường hợp tác đa phương đầy khó khăn.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 7/2, Biden cho biết Mỹ và Trung Quốc "không nhất thiết phải xung đột, nhưng sẽ có sự cạnh tranh khắc nghiệt".
"Tôi sẽ không hành động giống Trump. Chúng tôi sẽ tập trung vào các quy tắc quốc tế", Tổng thống Mỹ nói.
Ánh Ngọc (Theo NYTimes)