Biden gọi Tổng thống Nga Putin là "kẻ giết người" và các nhà đàm phán của ông đã nêu ra trước phái đoàn Trung Quốc những cáo buộc cứng rắn trong cuộc hội đàm song phương đầu tiên. Những động thái này thể hiện cách tiếp cận quyết liệt của Mỹ với Moskva và Bắc Kinh.
Người tiền nhiệm của Biden là Donald Trump từng có mối quan hệ cá nhân tốt với các lãnh đạo như Putin hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. "Ông ấy ngưỡng mộ họ", Thomas Wright, chuyên gia tại Viện Brookings ở Washington, cho biết.
Các chuyên gia đã dự đoán rằng Biden sẽ có cách tiếp cận truyền thống hơn Trump. Ông từng làm việc lâu dài trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và sau đó làm phó tổng thống.
Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, phong cách mạnh mẽ của Biden đã khiến một số người bất ngờ. Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với ABC News rằng liệu ông có tin Putin là "kẻ giết người" hay không, Biden đồng ý mà không do dự.
Tổng thống Mỹ còn nói rằng Putin "sẽ phải trả giá" vì can thiệp bầu cử Mỹ. Một báo cáo tình báo Mỹ được giải mật nói rằng Putin đã cố gắng gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử của Biden tại cuộc đua vào Nhà Trắng năm ngoái, trong khi quảng bá cho Donald Trump. Nga đã bác bỏ cáo buộc này. Khi các trợ lý của Biden được hỏi liệu ông có đi quá xa trong các phát ngôn hay không, họ khẳng định ông không hối hận.
Thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny hồi tháng 8/2020 bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva, sau đó được đưa tới Berlin, Đức, để điều trị. Các nước phương Tây cáo buộc Nga "đầu độc" Navalny bằng chất độc Novichok thời Liên Xô, nhưng Moskva nhiều lần bác bỏ.
Đây không phải là lần đầu tiên Biden thể hiện thái độ cứng rắn khi làm việc với Putin hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hồi đầu tháng hai, Biden đã cảnh báo hai nước về "chủ nghĩa chuyên chế đang tiến triển" ở Trung Quốc và Nga.
Chính quyền Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cả hai nước để phản ứng trước việc Moskva bị cáo buộc đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny và các thay đổi chính trị của Bắc Kinh đối với Hong Kong.
Đối với Putin, Biden cho biết ông đã nói rõ với người đồng cấp rằng "rất khác với người tiền nhiệm của tôi, những ngày Mỹ làm ngơ trước những hành động gây hấn của Nga như can thiệp bầu cử, tấn công mạng, đầu độc công dân đều đã kết thúc".
Biden cũng chỉ trích ông Tập về vấn đề dân chủ và cảnh báo nếu Mỹ không nhanh chóng đưa ra chính sách đối phó phù hợp với Trung Quốc, "họ sẽ đánh bại chúng ta".
Mặc dù kiểu ngôn ngữ này có vẻ giống phong cách của Trump, nhưng ngữ cảnh lại hoàn toàn khác. "Trump thực ra có vấn đề lớn hơn với các đồng minh của Mỹ. Trump thường nổi giận với các đồng minh hơn là với đối thủ", Wright nói.
Có lẽ điều còn đáng ngạc nhiên hơn là Ngoại trưởng Antony Blinken, nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm chưa từng được biết đến là người nóng tính, đã gay gắt với phái đoàn Trung Quốc ngay khi bắt đầu hai ngày hội đàm ở Alaska.
Blinken nói thẳng thừng rằng hành động của Bắc Kinh "đe dọa trật tự dựa trên quy tắc đã duy trì sự ổn định toàn cầu". Đáp trả, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: "Đây không phải là cách các ông nên dùng để đón khách".
"Màn trao đổi này cho thế giới thấy rằng mối quan hệ Mỹ-Trung đang được xác định bởi sự cạnh tranh và đối đầu", Wright nói.
James Carafano, chuyên gia nhóm nghiên cứu Heritage Foundation, đánh giá Blinken "hoàn toàn đúng" khi tỏ thái độ cứng rắn và chính quyền của ông không có gì để mất khi làm vậy. "Cứng rắn với Nga và Trung Quốc là quan điểm cả lưỡng đảng đều ủng hộ. Mọi người đều muốn vậy".
Carafano cũng nhấn mạnh rằng các chiến thuật của Biden phản ánh sự nhất quán nhất định với chính quyền Trump, vốn đã thực hiện các biện pháp chống lại Nga và Trung Quốc, mặc dù ông Trump hay khoe về mối quan hệ thân thiện của mình với ông Putin và ông Tập.
Nhưng rốt cục, "nói suông cũng chẳng có ích gì", ông nói. "Trump đã cố gắng nói chuyện với Putin theo cách dễ chịu và Putin vẫn vậy", Carafano cảnh báo. "Biden nói ông ấy cứng rắn với Putin, nhưng Putin rồi vẫn cứ là Putin".
Phương Vũ (Theo AFP/Washington Post)