Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ kế thừa chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Donald Trump, đặc trưng bởi thuế áp lên hàng nhập khẩu toàn cầu, như thép và nhôm từ hầu hết các nước, rượu vang và pho mát từ châu Âu, cùng gần 3/4 hàng xuất xứ Trung Quốc.
Mặc dù Biden chưa nêu chi tiết kế hoạch cụ thể, các trợ lý và cố vấn cho biết ông dự kiến xem xét lại các khoản thuế đó. Và cũng như Trump, Biden có thể hành động mà không cần đến sự ủng hộ của quốc hội.
Một số đề xuất tranh cử của Biden có thể sẽ khó thực hiện nếu đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát Thượng viện. Nhưng với chính sách thương mại thì không. Bởi lẽ, tổng thống có quyền lực lớn trong việc tiến hành các cuộc đàm phán và gỡ bỏ hoặc áp thuế mới khi thấy phù hợp.
"Đó là một trong số ít lĩnh vực chính sách mà ông Biden có thể tiến hành một cách đơn phương", Scott Lincicome, thành viên cấp cao tại Viện Cato kiêm luật sư thương mại lâu năm cho biết, "Vì một số chính sách đặc trưng của ông ấy có thể sẽ không thành, Tổng thống cần cho thấy sự tiến triển ở những lĩnh vực khác như thương mại hay nhập cư".
Ông Biden đã kêu gọi sự thống nhất trước sức ép của các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Trung Quốc. Các cuộc thăm dò cho thấy cả cử tri Dân chủ và Cộng hòa đều có quan điểm ngày càng khiến Trung Quốc bất lợi.
Ngoài ra, nhiệm kỳ của Trump cũng cho thấy nhiều đảng viên Cộng hòa không còn là những người ủng hộ thương mại tự do như trước và có thể tìm cách ngăn cản Biden theo đuổi các chính sách được coi là toàn cầu hóa.
Trong nhiệm kỳ, Trump đã áp một loạt thuế với Trung Quốc để gây áp lực, buộc Bắc Kinh ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào đầu năm. Dù vậy, thuế vẫn được duy trì với khoảng 370 tỷ USD hàng nhập khẩu từ nước này, nhằm buộc Bắc Kinh tuân thủ các điều khoản, bao gồm cả việc tăng cường mua hàng Mỹ.
Thuế này do các công ty Mỹ nhập khẩu quần áo, đồ điện tử, đồ nội thất, dụng cụ và các sản phẩm khác từ Trung Quốc chi trả, và nó lại được chuyển xuống cho người tiêu dùng. Trừ một số ngoại lệ, các nhóm doanh nghiệp Mỹ phản đối việc dùng thuế để thúc ép Trung Quốc ngừng trợ cấp một số ngành công nghiệp.
"Quan điểm của chúng tôi là chúng ta cần một mối quan hệ mang tính xây dựng và thực dụng với Trung Quốc. Nhưng chúng ta vẫn có thể làm nhiều việc cùng một lúc. Đó là lý do chúng tôi cũng ủng hộ duy trì sức ép lên các hành vi thương mại có hại và không công bằng", Myron Brilliant - Phó chủ tịch kiêm người đứng đầu các vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ cho biết.
Các cố vấn của Biden chỉ trích chính quyền Trump vì cách tiếp cận đơn độc đối với Trung Quốc, nói rằng Mỹ nên hợp tác với các nước khác trong việc này. Vì thế, Biden từng nói rằng, thay vì chống lại các đồng minh kinh tế truyền thống, ông sẽ tìm cách hợp tác với họ để thành lập một khối kinh tế đối đầu với Trung Quốc.
Biden đã mô tả ưu tiên quốc tế của mình là xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ, khi nhiều nước đang tức giận vì bị Trump áp thuế. Biden có thể bắt đầu xây dựng lại những mối quan hệ đó bằng cách đàm phán chấm dứt một số loại thuế.
"Tôi nghĩ ông ấy cần nhìn vào và xem xét lại chúng", Richard Trumka, Chủ tịch AFL-CIO, một công đoàn đại diện cho 12,5 triệu lao động bình luận. Theo ông, áp thuế cũng là một cách để chống lại các vi phạm thương mại, nhưng cách này đang bị lạm dụng và không mấy hiệu quả.
Các động thái khác mà chính quyền Biden có thể theo đuổi sẽ bao gồm giải quyết tranh chấp kéo dài với Liên minh châu Âu về các khoản trợ cấp cho Boeing và Airbus, vốn dẫn đến việc hai bên áp thuế lẫn nhau.
Mỹ đã áp thuế đối với 7,5 tỷ USD của châu Âu, bao gồm 25% thuế đối với các sản phẩm như rượu vang, pho mát, ô liu và rượu mạnh, cũng như 15% thuế đối với máy bay. Hôm 9/11, EU thông báo sẽ tiếp tục áp thuế với khoảng 4 tỷ USD máy bay Boeing và các hàng hóa khác của Mỹ.
Biden cũng có thể đàm phán để khởi động lại hoạt động của WTO, vốn đang gặp khó khi chính quyền Trump chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán tại đây. Mỹ còn gây khó dễ cho việc chọn tổng giám đốc WTO mới, khi phản đối một ứng cử viên người Nigeria, dù người này được sự ủng hộ của các nước thành viên. WTO cho biết sẽ hoãn vô thời hạn lựa chọn lãnh đạo mới, đồng nghĩa vấn đề này có thể sẽ do chính quyền Biden giải quyết.
Một loạt thuế lớn khác mà chính quyền Biden sẽ thừa hưởng là 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu, vẫn áp dụng cho hầu hết các đối tác thương mại, bao gồm các đồng minh kinh tế truyền thống như EU và Nhật Bản, cũng như các nước xuất khẩu thép lớn là Trung Quốc và Nga.
Trong khi đó, một chính sách có khả năng duy trì dưới thời Biden là "Mua hàng Mỹ". Vào tháng 8, ông Trump đã ban hành một sắc lệnh, yêu cầu các cơ quan chính phủ mua các loại thuốc thiết yếu và vật tư y tế từ các nhà sản xuất trong nước, do lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nước ngoài trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Chính sách này hiện yêu cầu văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đàm phán lại các điều khoản của các hiệp định thương mại hiện có với nhiều quốc gia và WTO trong những tháng tới. Nó ảnh hưởng đến hàng trăm loại thuốc và thiết bị y tế, bao gồm các thành phần chính của aspirin và thuốc hóa trị. Thay vì rút lại quyết định của Trump, Biden có thể tiếp tục và ra lệnh cho các nhà đàm phán thương mại tìm cách sửa đổi các thỏa thuận hiện hành.
Cùng với đó, trong chiến dịch tranh cử, Biden cam kết thực hiện "khoản đầu tư mua sắm lịch sử" trị giá 400 tỷ USD để thúc đẩy chính phủ mua hàng hóa do Mỹ sản xuất và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước và hỗ trợ công nhân ở các bang công nghiệp.
Phiên An (theo WSJ)