Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) hôm 10/11 thông báo quá trình chia sẻ thông tin tình báo với ứng viên Dân chủ Joe Biden sẽ bị trì hoãn cho đến khi Cơ quan Quản lý Dịch vụ Công (GSA) ký văn bản công nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử.
"ODNI tuân thủ hướng dẫn trong Đạo luật Chuyển giao Tổng thống, vốn yêu cầu người đứng đầu GSA chứng thực ứng viên chiến thắng trước khi chúng tôi hỗ trợ cho cuộc chuyển giao quyền lực", tuyên bố của ODNI cho hay. "Chúng tôi sẽ không liên hệ với bất cứ nhóm chuyển giao nào cho đến khi được GSA thông báo".
Theo Đạo luật Chuyển giao Quyền lực Tổng thống năm 1963, GSA phải xác định được người chắc chắn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, trước khi chính quyền mới được chia sẻ thông tin tình báo. Tuy nhiên, giám đốc GSA, người được Trump bổ nhiệm, đến nay chưa ký văn bản xác nhận Biden là Tổng thống đắc cử.
Ngoài ra, Biden cũng chưa nhận được Báo cáo Hàng ngày của Tổng thống, một văn bản tình báo tuyệt mật chỉ được cung cấp cho các quan chức cấp cao nhất trong chính quyền. Tổng thống Donald Trump có thể ra lệnh cho tình báo Mỹ cung cấp báo cáo này cho Biden, nhưng ông chưa làm vậy.
Từ năm 1952, các cơ quan tình báo Mỹ đã cung cấp báo cáo tình báo chung cho các ứng viên tổng thống Mỹ, ngoại trừ những thông tin tối mật. Biden đã nhận được chúng kể từ khi ông trở thành ứng viên của đảng Dân chủ. Không rõ liệu ông còn tiếp tục được báo cáo tình báo chung sau khi đắc cử hay không.
Một số tổng thống Mỹ đã cho phép người kế nhiệm của họ nhận bản báo cáo mật hàng ngày, trong đó chứa cả thông tin nhạy cảm nhất của đất nước.
Biden hôm qua xác nhận ông chưa nhận được bất cứ Báo cáo Hàng ngày của Tổng thống nào. "Rõ ràng báo cáo này sẽ rất hữu ích, nhưng không hẳn là cần thiết", Biden nói. "Tôi giờ vẫn chưa phải là tổng thống đương nhiệm".
"Việc tiếp cận được các thông tin mật rất có lợi, nhưng dù sao tôi cũng chưa ở vị trí có thể ra quyết định về các vấn đề đó. Sẽ tuyệt hơn nếu có báo cáo đó, nhưng nó cũng không quá quan trọng", ông nói thêm.
Việc Tổng thống Trump không chịu nhận thua cũng cản trở quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới. Nhóm chuyển giao của Biden cho rằng sự chậm trễ của GSA khiến họ mất khả năng tiếp cận hàng triệu USD ngân sách liên bang cùng khả năng gặp gỡ các quan chức tình báo và những bộ phận khác của chính quyền. Nhóm cũng không có quyền tiếp cận Bộ Ngoại giao, nơi thường xúc tiến các cuộc gọi giữa lãnh đạo nước ngoài và tổng thống đắc cử.
Hành động của GSA khiến nhiều chuyên gia tự hỏi liệu khi nào Nhà Trắng mới chịu chuyển giao quyền lực cho chính quyền tiếp theo, trong khi Trump dường như đã hết hy vọng lật ngược tình thế và chỉ còn hơn 70 ngày nữa là tới lễ nhậm chức hôm 20/1 của Biden.
Việc lãnh đạo GSA hành động chần chừ cũng có thể dẫn tới lần chuyển giao quyền lực tổng thống chậm trễ đầu tiên trong lịch sử hiện đại nước Mỹ, ngoại trừ năm 2000, khi Tòa án Tối cao quyết định kiểm lại phiếu trong "cuộc đua" giữa Al Gore và George W. Bush.
Ngọc Ánh (Theo Fox News)