Lệnh cấm WeChat và TikTok từ thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/6 được bãi bỏ, nhưng việc giám sát các ứng dụng do Trung Quốc sở hữu vẫn tiếp tục dưới chính quyền Joe Biden. Để thay thế lệnh cấm thời Trump, Tổng thống Biden đã ký các lệnh mới yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ tiến hành đánh giá về an ninh quốc gia đối với những ứng dụng có liên kết với các đối thủ nước ngoài, bao gồm Trung Quốc.
Động thái này cho thấy sự thiết lập lại mối quan hệ giữa Washington và TikTok, ứng dụng chia sẻ video do công ty ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh sở hữu, và WeChat, ứng dụng nhắn tin nổi tiếng của Tencent, trụ sở tại Thâm Quyến.
Tuy nhiên, những ứng dụng trên "vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tầm giám sát", James Lewis, chuyên gia về chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, người tham gia thảo luận với các quan chức Nhà Trắng ở cả chính quyền Trump lẫn Biden về tương lai những ứng dụng Trung Quốc, nhận định.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy lệnh cấm được khôi phục nhưng với những lý do hợp lý hơn", Lewis nói. "Nếu tôi là TikTok, tôi sẽ nghĩ xem mình nên làm gì để tránh một lệnh cấm khác".
Do nghi ngờ mối liên hệ của các ứng dụng này với chính phủ Trung Quốc, giới chức Mỹ hiện vẫn quan ngại về cách chúng xử lý các dữ liệu liên quan đến người dân Mỹ, theo Lewis.
"Bạn có thể trong sạch như tuyết nhưng bất cứ khi nào Chủ tịch Tập Cận Bình muốn nhờ cậy đến bạn, ông ấy có thể làm điều đó và bạn không thể phản đối", ông nói.
Theo lệnh mới của Tổng thống Biden, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành đánh giá "dựa trên các bằng chứng" đối với những ứng dụng có mối liên hệ với Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ gây ra rủi ro an ninh quốc gia và đưa ra các hành động phù hợp dựa trên những đánh giá đó.
Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) hoan nghênh động thái của Biden nhưng cảnh báo chính quyền của ông không nên tái áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào lên các ứng dụng mà có thể vi phạm đến quyền lợi của người dùng.
"Tổng thống Biden đã đúng khi thu hồi những sắc lệnh hành pháp dưới chính quyền Trump vốn vi phạm quyền của người dùng TikTok và WeChat được quy định trong Tu chính án Thứ nhất", Ashley Gorski, luật sư cấp cao tại ACLU, đánh giá. "Đánh giá của Bộ Thương mại đối với các ứng dụng này và cả những ứng dụng khác không được phép đưa chúng ta đi vào con đường sai lầm tương tự, bằng cách mở đường cho các lệnh cấm trong tương lai hoặc những hành động bất hợp pháp khác".
Giọng điệu thận trọng của chính quyền Biden hoàn toàn trái ngược với Trump, người đã cố gắng cấm hoàn toàn TikTok và WeChat tại Mỹ hồi năm ngoái. Hành động quyết liệt của Trump chống lại TikTok và WeChat đã gây bối rối và hoảng sợ cho những người dùng hai ứng dụng này.
Trong khi hàng triệu người dân Mỹ tìm đến TikTok để giải trí qua mùa dịch thì nhiều doanh nghiệp Mỹ lại dựa vào WeChat để bán hàng, tiếp thị và thực hiện hàng loạt giao dịch khác với khách hàng ở Trung Quốc. Hành động của Trump cũng dẫn tới các vụ kiện, khiến một số tòa án liên bang phải dừng việc thực thi sắc lệnh do ông đưa ra.
Nhằm xoa dịu Trump, TikTok đã tính đến khả năng bán lại phần hoạt động của ứng dụng trên đất Mỹ cho các công ty Mỹ như Microsoft, Oracle hay Walmart. Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào được đưa ra.
Chủ sở hữu TikTok không bao giờ muốn bán lại ứng dụng đã đạt được thành công vang dội toàn cầu của mình. Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi chiến thuật Trump chống lại TikTok không khác gì "cướp giữa ban ngày".
Việc Biden bãi bỏ các sắc lệnh hành pháp của Trump đối với TikTok và WeChat đã được dự đoán từ ít nhất hồi tháng hai, khi chính quyền mới ra quyết định đóng băng chúng.
Nhiều tháng trước khi Trump cố đóng cửa TikTok, công ty đã có các cuộc thảo luận với Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ, một hội đồng liên ngành chuyên đánh giá những công ty có sở hữu nước ngoài.
ByteDance, tập đoàn sở hữu TikTok, hiện vẫn tham gia vào các cuộc thảo luận với ủy ban trên nhằm thiết lập một thỏa thuận đảm bảo dữ liệu của người dân Mỹ không bị chính quyền Trung Quốc tiếp cận.
TikTok lâu nay vẫn khẳng định luôn có một bức "tường lửa" giữa hoạt động của họ tại Mỹ với chủ sở hữu ở Trung Quốc. Các giám đốc điều hành TikTok cho hay không có bất kỳ dữ liệu nào của người dùng Mỹ được lưu trữ trên máy chủ ở Trung Quốc. Những dữ liệu này chỉ có thể được truy cập khi được sự cho phép từ đội ngũ an ninh trực thuộc TikTok Mỹ.
Theo điều khoản dịch vụ của TikTok, dữ liệu người dùng có thể được chia sẻ với ByteDance. Dù vậy, TikTok cho biết các quan chức chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu họ cung cấp thông tin về người dùng Mỹ. Nếu Bắc Kinh đưa ra yêu cầu như vậy, theo các luật sư của TikTok, chúng chắc chắn sẽ bị từ chối.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Missouri Josh Hawley gọi việc thu hồi lệnh cấm TikTok và WeChat là một "sai lầm lớn". Nó cho thấy "sự khinh suất đáng báo động" trước nguy cơ Trung Quốc tiếp cận các thông tin cá nhân của người dân Mỹ, ông viết trên mạng xã hội Twitter.
Một cựu quan chức Mỹ giấu tên nhận xét lệnh mới của Tổng thống Biden "cho thấy việc để lọt dữ liệu sang Trung Quốc là vấn đề cấp bách đối với chính quyền, nhưng nó không thể hiện rõ ràng cách mà họ sẽ giải quyết" các thách thức.
"Chính quyền hiện tại rõ ràng muốn thoát khỏi vòng xoáy pháp lý do người tiền nhiệm tạo ra", ông này nói. "Nhưng chưa rõ họ có sẵn sàng thực hiện các hành động có ý nghĩa một cách kịp thời hay không".
Vũ Hoàng (Theo NPR, Washington Post)