Nếu được Thượng viện phê chuẩn, bà Tai sẽ phụ trách vị trí quan trọng trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden, có nhiệm vụ đưa ra các quy định về nhập khẩu và đàm phán các điều khoản trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc cùng các quốc gia khác.
Tai, một người Mỹ gốc Á, cũng có thể trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên làm Đại diện Thương mại Mỹ. Bà thông thạo tiếng Quan thoại, ngôn ngữ tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Biden lựa chọn Tai làm Đại diện Thương mại Mỹ dường như nhằm gửi đi thông điệp về cách tiếp cận thương mại đa phương của chính quyền mới để thúc đẩy lợi ích thương mại của Mỹ cũng như đối phó với sự cạnh tranh về kinh tế ngày càng mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Trong thông cáo báo chí ngày 10/12, Tổng thống đắc cử Biden đề cập kinh nghiệm của Tai như một yếu tố quan trọng khi chính quyền mới xem xét lại thỏa thuận thương mại được Tổng thống Donald Trump ký với đại diện Trung Quốc.
"Kinh nghiệm sâu sắc của Tai sẽ giúp chính quyền Biden - Harris quay trở lại cuộc đua về thương mại, củng cố sức mạnh trong các mối quan hệ thương mại, giúp Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra cũng như theo đuổi tầm nhìn của Tổng thống đắc cử trong chiến lược thương mại ủng hộ người lao động Mỹ", nhóm chuyển giao quyền lực của Biden viết.
Tai sẽ thay thế vị trí đang do Robert Lighthizer đảm nhiệm. Những thành tựu quan trọng mà Lighthizer đạt được dưới thời Trump là quan điểm cứng rắn trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh và áp đặt các đòn thuế trị giá hàng trăm tỷ USD nhằm vào các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Dù Tai ưu tiên cách tiếp cận đa phương trong vấn đề thương mại hơn Lighthizer, việc bổ nhiệm bà làm Đại diện Thương mại Mỹ không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden sẽ thay đổi quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Bà từng tuyên bố vấn đề Trung Quốc cần được xử lý mạnh mẽ và mang tầm chiến lược hơn.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với New York Times, Biden cho biết ông sẽ không lập tức dỡ bỏ các đòn thuế áp vào Trung Quốc. Thay vào đó, Biden sẽ cân nhắc một loạt chiến thuật để cạnh tranh tốt nhất với Trung Quốc.
Tổng thống đắc cử cũng từ chối tiết lộ ông có ủng hộ Mỹ tham gia một thỏa thuận thương mại cụ thể nào hay không, nói rằng sẽ chỉ làm điều này sau khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều quan trọng hơn là hợp tác với các đồng minh để đưa thương mại toàn cầu "thống trị cuộc chơi".
Một trong những hành động đầu tiên khi Trump lên nắm quyền là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính quyền Obama đạt được với 11 quốc gia khác. TPP không bao gồm Trung Quốc và được coi là "hòn đá tảng" trong nỗ lực của Obama nhằm tăng cường ảnh hưởng ở châu Á.
Khánh An (Theo CNBC)