Tổng thống Joe Biden đã dành những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ âm thầm làm việc để đưa thêm vaccine đến tay người dân Mỹ và thông qua một gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ.
Với việc gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD đã được quốc hội thông qua và Biden ký thành luật và tốc độ tiêm chủng đang tăng lên, Nhà Trắng chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới, đối diện với công chúng nhiều hơn.
Biden có bài phát biểu đầu tiên vào đúng khung giờ vàng truyền hình ngày 11/3, tập trung vào cuộc khủng hoảng Covid-19. Cuối tháng này, ông sẽ tổ chức cuộc họp báo đầu tiên trong nhiệm kỳ. Ông cũng cam kết sẽ có một bài phát biểu trước Quốc hội dù chưa được lên lịch.
Các quan chức chính quyền Biden trong khi đó đang chuẩn bị cho một chiến dịch quảng bá về những lợi ích của gói cứu trợ Covid-19, như khoản trợ cấp 1.400 USD, hàng tỷ USD trong gói cứu trợ sẽ mở cửa lại trường học như thế nào hay các khoản đầu tư được thực hiện nhằm tăng lượng vaccine. Tổng thống Biden, Đệ nhất phu nhân Jill, Phó tổng thống Kamala Harris cùng những người khác sẽ lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Biden và các quan chức hàng đầu thừa nhận họ cần làm nhiều hơn nữa để tuyên truyền về những lợi ích của gói cứu trợ mà họ đã dồn nhiều tâm sức, khiến công chúng hiểu sâu sắc hơn về nó.
Và họ đã dành nhiều tuần lập kế hoạch chi tiết về cách thức tiến hành chiến dịch giữa lúc đất nước còn quay cuồng vì Covid-19. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 9/3 cho biết một khi Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ được ký, "chúng tôi sẽ có nhiều việc phải làm và cần sử dụng tốt nhất tiếng nói của mình".
Một phần chiến lược của Nhà Trắng trước khi gói cứu trợ được thông qua là tránh mọi hành động có thể làm xao lãng nỗ lực thúc đẩy nó. Đây là một phần lý do khiến Nhà Trắng đến nay cố gắng tránh đưa Tổng thống Biden xuất hiện trước các phóng viên để trả lời những câu hỏi sâu hơn.
Kế hoạch quảng bá sắp tới đòi hỏi Biden phải bước vào một guồng quay mới: Ít sự kiện theo kịch bản và những cuộc trao đổi hậu trường với các nhà lập pháp hơn, đồng thời tương tác nhiều hơn với báo chí và xuất hiện trước công chúng.
Điều này sẽ giúp ông chủ Nhà Trắng có cơ hội truyền đi các thông điệp đánh mạnh hơn vào cảm xúc, như làm nổi bật viễn cảnh những người cao tuổi giờ đây có thể quây quần với con cháu nhờ vaccine.
Biden bước vào guồng quay mới với một vị thế đáng ghen tỵ. Tỷ lệ ủng hộ gói cứu trợ Covid-19 cùng niềm tin của công chúng vào cách ông xử lý đại dịch rất cao.
"Câu hỏi đặt ra bây giờ là làm thế náo để tác động tới nhận thức công chúng. Họ nên nhắc nhở mọi người càng thường xuyên càng tốt về lợi ích của gói cứu trợ đối với họ. Đây sẽ là nền tảng cơ bản cho những gì họ sẽ tiếp tục trong 4 năm sắp tới", Robert Gibbs, thư ký báo chí cho cựu tổng thống Barack Obama, nhận định.
Các quan chức Nhà Trắng cho hay họ đã xây dựng các chiến lược tiếp cận trong vài tuần qua nhằm gia tăng ủng hộ với gói cứu trợ Covid-19. Chúng bao gồm thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tiếp với truyền thông địa phương nhằm tuyên truyền hay tận dụng ảnh hưởng của các liên minh gồm những tổ chức hay lãnh đạo tán thành kế hoạch giải cứu.
Đến nay, có hơn 400 thị trưởng và thống đốc từ cả lưỡng đảng, các quan chức trong những tổ chức lao động và cộng đồng doanh nghiệp, nhà kinh tế học cùng các chuyên gia khác đã đưa ra những đánh giá tích cực về gói cứu trợ.
Mặt khác, Nhà Trắng cũng sẽ nỗ lực nêu bật những điều khoản trong gói cứu trợ ít được chú ý hơn so với các vấn đề như chi phiếu trợ cấp, mở cửa trường học hay tài trợ vaccine.
Các lãnh đạo công đoàn và những đồng minh đảng Dân chủ của họ đang tích cực tuyên truyền cho một khoản viện trợ trị giá 86 tỷ USD trong gói cứu trợ sẽ ngăn các kế hoạch hưu trí cho nhiều bên sử dụng lao động bị sụp đổ.
Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Ohio Sherrod Brown nhấn mạnh khoản viện trợ trên "không chỉ bảo vệ lương hưu mà còn kích thích kinh tế địa phương và ngăn chặn việc người nộp thuế sẽ phải tiêu tốn hàng trăm tỷ USD cho một gói cứu trợ lớn khác".
Họ đồng thời hoan nghênh những khoản hỗ trợ mở rộng sẽ sớm được đưa đến tay hàng nghìn công nhân mỏ thất nghiệp.
"Các công đoàn thường ở trong tình thế phải giải thích với các thành viên rằng sau khi chúng tôi đấu tranh và sau khi chúng tôi vận động, những nhà đàm phán sẽ quay lại nói chuyện và đó không phải tất cả điều chúng tôi muốn", Damon Silvers, giám đốc chính sách Liên đoàn Lao động và Đại hội các Tổ chức Công nghiệp Mỹ (AFL-CIO), đánh giá. "Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ của Biden là một trong những điều đặc biệt khi mà điều đó thực sự không đúng".
"Đây là lý do vì sao chúng tôi đấu tranh cho nó", ông nhấn mạnh.
Dù vậy, điều khoản gây chú ý nhất của kế hoạch vẫn là số tiền trực tiếp được chuyển thẳng vào túi người dân. Theo đảng Dân chủ, khoảng 85% hộ gia đình ở Mỹ sẽ nhận khoản hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người. Người thu nhập dưới 75.000 USD/năm và các cặp vợ chồng thu nhập dưới 150.000 USD/năm cũng sẽ nhận được tiền hỗ trợ.
Đoàn kết Quốc gia, siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ Biden, đang lên kế hoạch của riêng mình nhằm quảng bá kế hoạch cứu trợ thông qua quảng cáo truyền hình và kỹ thuật số ở các bang chiến trường vào năm 2020, một quan chức từ ủy ban tiết lộ với Politico.
Bên cạnh đó, nhiều nhóm chính trị đồng minh khác đang chuẩn bị cho các chiến dịch PR của họ.
Tuy nhiên, như Psaki đã xác nhận với các phóng viên hôm 9/3, Nhà Trắng vẫn đặt ra những giới hạn đối với hoạt động quảng bá. Đáng chú ý là chính quyền sẽ không đưa tên của Biden lên séc. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ nhưng Psaki nhấn mạnh điều đó là không cần thiết khi mà mục tiêu cuối cùng là đem đến cứu trợ.
Vũ Hoàng (Theo Politico)