Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đang khiến người dân Venezuela chật vật mua nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, hãng bia thủ công nhỏ ở Caracas như Social Club dường như chẳng mấy ảnh hưởng.
Bia thủ công (craft beer) là dòng bia thể hiện rõ nét cá tính và phong cách của nhà sản xuất, thường với cơ sở nhỏ, sản xuất ít, theo phương pháp truyền thống.
Việc kinh doanh của Social Club đang bùng nổ, với loại bia giá một chai bằng hai ngày lương tối thiểu tại đây. Mỗi tháng, họ sản xuất 3.000 lít, nhưng vẫn chẳng đủ đáp ứng nhu cầu. Phần lớn số bia bán được trong dịp cuối tuần, tại một vườn bia đặt trong xưởng.
Các hãng bia như Social Club là minh chứng cho thấy dù cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng kinh tế, giới nhà giàu Venezuela vẫn không từ bỏ các sản phẩm cao cấp như bia thủ công.
"Người Venezuela luôn thích bắt kịp xu hướng. Luôn có thị trường cao cấp không nhạy cảm với giá cả chút nào", Victor Querales - một trong các ông chủ của Social Club cho biết.
Theo Hiệp hội Bia thủ công Venezuela, quốc gia này hiện có khoảng 30 hãng bia thủ công, cung cấp cho các cửa hàng rượu và nhà hàng cao cấp, hoặc phục vụ các bữa tiệc, lễ cưới. Bia thủ công chỉ đóng góp chưa đến 1% thị phần. Tuy nhiên, 5 năm qua, các hãng bia nhỏ đang nổi lên, như Norte del Sur hay Pisse Des Gottes. Hai hãng này đều từng giành huy chương trong các cuộc thi nấu bia quốc tế.
Vận may của các hãng bia thủ công Venezuela hoàn toàn trái ngược với các ngành công nghiệp khác. Những công ty khác đều phải đối mặt với lạm phát lên tới 3 chữ số. Việc kiểm soát tiền tệ cũng khiến sản xuất quy mô lớn gần như bất khả thi.
Social Club còn tổ chức các tour tham quan cơ sở sản xuất bia và quán bar ngay cạnh, với đủ loại đồ uống. Sản lượng của họ khá thấp, chỉ đạt khoảng 2% so với tiêu chuẩn tối đa 1,8 triệu lít bia một năm mà Hiệp hội các hãng bia Mỹ đặt ra cho một hãng bia nhỏ.
Dù giá sản phẩm của Social Club khá cao so với chuẩn mực trong nước, bia thủ công ở đây vẫn thuộc top rẻ nhất thế giới, với khoảng 0,8 USD cho một cốc 350ml. Sản phẩm tương tự ở Mỹ có thể bán giá ít nhất là gấp 5.
Dù vậy, chi phí vẫn luôn là mối lo của họ. Mạch nha và cây hoa bia phải nhập khẩu vì không trồng được ở Venezuela. Vì thế, các hãng bia ở đây luôn gặp khó khi đồng bolivar lao dốc. Thách thức lớn nhất của họ là thuyết phục người Venezuela vốn không quen các loại bia mạnh và có nồng độ cồn cao.
Tuy nhiên, họ tin rằng mình vẫn có thể tăng trưởng, vì người Venezuela thích uống bia. Năm 2010 - thời điểm kinh tế Venezuela bùng nổ, đây là quốc gia có lượng tiêu thụ bia bình quân cao nhất Mỹ Latin và thứ 9 thế giới, theo số liệu của công ty Nhật Bản - Kirin Holdings.
Tuy nhiên, đến năm 2015, nước này tụt xuống thứ 25 thế giới, do giá dầu lao dốc đẩy kinh tế Venezuela vào cảnh rơi tự do. Nhu cầu suy giảm khiến các hãng bia nhỏ khó thành công.
Một số doanh nhân tham gia các khóa học nấu bia, để lên kế hoạch khởi nghiệp. Nhưng cuối cùng, họ vẫn phải bán hết máy móc để có tiền di cư.
Dù vậy, vẫn có vài trường hợp thành công. Kiến trúc sư Gustavo Izarra mở xưởng bia tại nhà sau khi đến Bỉ thăm con gái năm 2012. Ông mở nhà máy Caleta năm 2015, ngay khi nhu cầu kiến trúc lao dốc vì kinh tế đi xuống.
Kể từ đó, ông còn trở thành người tư vấn thiết kế cho các hãng bia, như Social Club, khi cần nâng cấp cơ sở. "Con người có khả năng chi tiêu hạn chế mà. Nhưng họ vẫn ngày càng hứng thú với bia thủ công", Izarra kết luận.
Hà Thu (theo Reuters)