Theo CNN, một buổi tối nhậu nhẹt tại Việt Nam là ngồi trên những chiếc ghế nhỏ ở vỉa hè, nhấm nháp bia hơi - loại đồ uống bản địa chỉ với 3% cồn. Tuy nhiên, bia hơi hiện không còn là loại đồ uống phổ biến duy nhất nữa. Hai năm gần đây, bia thủ công đã phát triển rất mạnh mẽ, với hàng chục nhà máy sản xuất được hình thành.
"Văn hoá bia tại Việt Nam bắt đầu từ bia hơi với những hình ảnh quen thuộc tại phố cổ Hà Nội hay Bùi Viện ở Sài Gòn. Tuy nhiên, văn hoá này giờ đây có nhiều hơn một hình ảnh đặc biệt", Hao Tran - biên tập viên của website phong cách sống Vietcetera nhận định.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ bia hàng đầu châu Á, với 3,8 tỷ lít trong năm 2016, theo số liệu của Bộ Công Thương. Trong đó, bia hơi và các thương hiệu mạnh như Tiger và Sài Gòn vẫn chiếm phần lớn thị phần.
Tuy nhiên, các thương hiệu bia thủ công tại TP HCM như Platinum, Pasteur Street Brewing, Winking Seal, Heart of Darkness và Fuzzy Logic cũng đang dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Các nhà sản xuất này đã đưa ra thị trường những loại bia mới lạ như bia nhạt Ấn Độ, hay bia vị Đức.
Theo Hao Tran, người Việt sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các tiêu chuẩn toàn cầu nhờ thu nhập ngày càng tăng. Khẩu vị và sở thích của người tiêu dùng trong nước cũng đang dần thay đổi và phát triển.
Pasteur Street là một trong những hãng đi tiên phong trong lĩnh vực bia thủ công ở Việt Nam từ năm 2015. Hãng do hai doanh nhân người Mỹ là John Reid và Alex Violette thành lập.
Hiện tại, nhà sản xuất này không chỉ phân phối bia thủ công tại thị trường trong nước mà còn cung cấp tới cả Malaysia, Australia, Hong Kong, Mỹ và châu Âu, Nhật từ cuối năm nay. Trong hai năm qua, Pasteur Street đã dẫn đầu một cuộc thay đổi những loại bia nhàm chán và nhạt. Nỗ lực này đã giúp hãng giành được 3 huy chương vàng tại Asian Beer Medal năm 2016.
Hãng bia này nhập khẩu hoa bia từ Mỹ và mạch nha từ châu Âu nhưng vẫn thêm một hương vị Việt Nam vào mỗi công thức. Họ đã sử dụng mọi nguyên liệu như cà phê Đà Lạt, chanh leo, sầu riêng... Nhờ đó, Pasteur Street đã tạo ra được 70 hương vị bia.
"Đây không chỉ là một kế hoạch tiếp thị bằng cách sử dụng các hương vị địa phương, mà còn là đổi mới và thay đổi mọi thứ", ông Reid chia sẻ.
Không chỉ các doanh nhân nước ngoài, người Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia vào thị trường bia thủ công. Ông Trương Lộc - người từng làm việc cho Anheuser-Busch InBev vừa mới thành lập Công ty East West Brewing với một nhà hàng bia thủ công toạ lạc tại ở trung tâm quận 1, TP HCM.
Theo ông Lộc, trên thị trường với 30% là bia hơi, việc người tiêu dùng bỏ ra khoảng 100.000 đồng để uống một ly bia thủ công quả là thách thức. Một nhà máy bia được đặt ngay trong cửa hàng là một phần quan trọng trong chiến lược thuyết phục khách hàng của East West Brewing.
"Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn giới thiệu đến khách hàng. Bạn không thể giúp khách biết bia thủ công là như thế nào nếu bạn không có một nhà máy sản xuất loại bia này", ông Lộc chia sẻ.
Các nhà hàng bia thủ công thường có xu hướng tập trung tại các quận trung tâm TP HCM. Bên trong các nhà hàng sang trọng này, ngoài uống bia, khách hàng còn có thể tham quan quá trình sản xuất bia thủ công.
Trước khi mở cửa, ông Lộc dự tính doanh thu chủ yếu đến từ khách du lịch và người nước ngoài sinh sống tại TP HCM. Tuy nhiên, ông rất ngạc nhiên khi 85% khách hàng của ông lại là người Việt trong 6 tháng đầu năm nay.
Ông Lộc cho rằng kết quả bất ngờ này là do sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Với mức tăng trưởng GDP trung bình hơn 6% mỗi năm, theo nhóm nghiên cứu Boston, tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ chiếm 23% dân số từ năm 2020.
*10 nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới
Anh Tú (theo CNN)