Theo đánh giá của The Economist, thị trường đồ uống có cồn trên thế giới dường như đã qua giai đoạn đỉnh cao. Nghiên cứu của Công ty IWSR cho biết, sản lượng tiêu thụ đồ uống có cồn đã giảm 1,4% trong năm 2016, xuống còn 250 tỷ lít. Đây là năm sụt giảm thứ hai liên tiếp kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1994.
Việc suy giảm này do người tiêu dùng đang dần uống bia ít hơn, vốn chiếm ba phần tư sản lượng đồ uống có cồn được tiêu thụ. Cụ thể, tính riêng bia, tiêu thụ toàn cầu đã giảm 1,8% trong năm ngoái, xuống còn 186 tỷ lít. Do dân số thế giới tăng 1% trong năm qua nên tiêu thụ bia tính theo đầu người lại càng giảm, ghi nhận ở mức 3,2%.
Có đến 99,6% lượng bia tiêu thụ giảm đến từ thị trường Trung Quốc, Brazil và Nga. Đây cũng là 3 trong 5 thị trường bia lớn nhất thế giới. Theo phân tích của The Economist, nguyên nhân của việc suy giảm là do tác động của kinh tế và thay đổi thói quen tiêu dùng.
Đơn cử, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành thị trường bia lớn nhất thế giới về tổng sản lượng tiêu thụ vào năm 2001. Hiện nay, nước này tiêu thụ bia gấp đôi Mỹ. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng dần rời khỏi giai đoạn hoàng kim. Tiêu thụ bia theo đầu người ở nước này đạt đỉnh vào năm 2013 và giảm dần vào năm ngoái.
Người Trung Quốc đang quay lưng với các loại bia địa phương rẻ tiền và chuộng bia nhập, cao cấp hơn. Bia cũng dần kém hấp dẫn khi không được giới trung niên ưa chuộng. Những người trên 30 tuổi đang chuyển sang rượu vang, còn người trên 40 lại thích rượu truyền thống Baijiu. Trong khi đó, ở Brazil hay Nga, việc giảm uống bia do tình hình kinh tế khó khăn, khiến người dân thắt chặt chi tiêu.
Năm 2016, Đại học Leuven (Bỉ) đã tiến hành cuộc nghiên cứu về tác động của tăng trưởng thu nhập và toàn cầu hóa đối với tiêu thụ bia ở 80 quốc gia từ năm 1961 đến năm 2009. Kết quả cho biết, khi thu nhập trên đầu người tại các nước nghèo tăng, người dân sẽ uống bia nhiều hơn. Tuy nhiên, khi thị trường có thu nhập bình quân đầu người đạt đến mức 27.000 đôla mỗi năm, tiêu thụ bia đi xuống do người tiêu dùng nhận ra các nguy cơ sức khỏe và các hệ lụy khác từ việc say xỉn. Khi đó, người ta bắt đầu chuyển sang lựa chọn các loại đồ uống đắt tiền hơn như rượu vang.
Với thu nhập bình quân đầu người hàng năm còn kém xa mức 27.000 đôla của nghiên cứu này, triển vọng tăng trưởng tiêu thụ bia tại Việt Nam còn khá lớn. Ngoài ra, dư địa còn nằm ở khả năng tăng tiêu thụ bình quân đầu người.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2016, sản lượng cả nước đạt 3,786 tỷ lít, tăng 9,3% so với 2015. Chia trung bình, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia một năm, tăng khoảng 4 lít so với năm ngoái. Với mức này, Việt Nam đã đứng vào top 10 thế giới về tổng dung lượng bia tiêu thụ nhưng vẫn chưa vào top 20 thị trường tiêu thụ bia bình quân theo đầu người lớn nhất thế giới.
Chính vì thế, theo nhiều phân tích, thị trường bia Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhờ dân số trẻ và thu nhập tăng. Với độ tuổi trung bình là 30 và kinh tế tăng trưởng tốt, dự báo sản lượng bia tiêu thụ sẽ tăng từ 4-5% mỗi năm trong giai đoạn 5 năm tới.
Trong năm nay, thị trường bia Việt Nam được dự báo sẽ chạm mốc 4 tỷ lít. Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ sản xuất 4,1 tỷ lít bia vào 2020 và tăng lên 5,5 tỷ lít vào 2035.
Viễn Thông