Nhưng chỉ một tháng sau, Covid-19 lan đến Đức, chặn đứng chuỗi bùng nổ việc làm kéo dài cả thập kỷ tại đây. Hiện tại, sau 800 đơn xin việc và 80 cuộc phòng vấn, thạc sĩ 29 tuổi người Syria này vẫn thất nghiệp.
Là người ngoại quốc cũng là một bất lợi khi xin việc tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, kể cả trước đại dịch. Giờ đây, rào cản còn lớn hơn khi số vị trí trống càng ít đi, Tizini nói. "Các công ty nghĩ rằng: Với người nước ngoài, chúng ta sẽ phải giải thích hai lần. Còn người bản địa thì chỉ một lần thôi", anh cho biết trên Reuters.
Việc tuyển dụng bị đóng băng và sa thải diễn ra phổ biến tại hàng nghìn công ty Đức đồng nghĩa những người nước ngoài như Tizini phải cạnh tranh khốc liệt với lao động bản địa. Bên cạnh đó, không như công dân Đức và Liên minh châu Âu (EU), rất nhiều sinh viên tốt nghiệp người nước ngoài không đủ điều kiện để nhận trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ trong đại dịch.
Hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế đã đổ đến Đức thập kỷ qua, do bị thu hút bởi hệ thống giáo dục gần như miễn phí và triển vọng việc làm tươi sáng sau tốt nghiệp tại đây. Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết số sinh viên quốc tế tại Đức đã tăng 70% giai đoạn 2009 – 2019.
Anja Robert – một tư vấn viên nghề nghiệp tại RWTH Aachen cho biết sinh viên quốc tế tại Đức hiện cảm thấy khó tìm việc hơn người bản địa. Nhu cầu tư vấn nghề nghiệp vã hỗ trợ tâm ký cũng tăng mạnh kể từ tháng 3 – khi Đức bước vào đợt phong tỏa đầu tiên. "Trong thời kỳ bất ổn như thế này, mọi người có xu hướng tìm đến sự an toàn, như kỹ năng ngôn ngữ, nền tảng văn hóa và sự hiểu biết lẫn nhau", Robert nói.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Đức đã lên 6,4% khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa đầu tiên, tăng từ 5% các tháng trước đó. Tháng 1 năm nay, tỷ lệ này là 6%.
Ảnh hưởng của đại dịch lên thị trường việc làm Đức được xoa dịu bằng chương trình Kurzarbeit, cho phép các chủ lao động giảm giờ làm khi kinh tế đi xuống. Nhưng việc này cũng đang khiến tuyển dụng càng khó khăn hơn. Các công ty tham gia chương trình này có thể tuyển nhân viên, nhưng chỉ khi có lý do bắt buộc.
Giai đoạn tháng 4/2020 – 1/2021, số việc làm tuyển dụng mới tại Đức giảm 430.000, tương đương 26% so với cùng kỳ năm trước đó, số liệu của Văn phòng Lao động cho biết.
Một thách thức khác với các sinh viên nước ngoài là các mối quan hệ xã hội và nghề nghiệp yếu hơn. Vì thế, việc các sự kiện kết nối và hội chợ việc làm bị hủy bỏ hoặc chuyển sang trực tuyến trong đại dịch càng khiến họ chịu thiệt.
"Tạo dựng mối quan hệ trên mạng khó khăn hơn nhiều, đặc biệt nếu bạn đến từ nước khác và không quen với cách các mối quan hệ ở đây hoạt động", Jana Koehler – một nhân viên tuyển dụng tại Berlin cho biết.
Hai lần phong tỏa vào mùa xuân và mùa đông năm ngoái cũng khiến các nhà hàng và hãng bán lẻ thiệt hại, đồng nghĩa ít việc làm bán thời gian hơn cho sinh viên. Tháng 4 năm ngoái, chính phủ Đức bổ sung người nước ngoài vào một chương trình cho vay không lãi suất cho sinh viên.
Tuy nhiên, những người đã tốt nghiệp rồi lại không đủ điều kiện. Khoản hỗ trợ thất nghiệp cho nhóm này cũng chỉ giới hạn với người đã sống ở Đức 5 năm.
Tizini giờ phải tồn tại dựa vào hỗ trợ hàng tháng của anh trai gửi sang. Sau khi đầu tư quá nhiều thời gian và hơn 10.000 euro để học ở Đức, quay về Syria không phải là điều anh mong muốn. "Chẳng có cách nào để sống ngoài việc chờ sự giúp đỡ của người khác. Tôi đã làm mọi thứ có thể, nhưng đều vô ích", anh nói.
Hà Thu (theo Reuters)