Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành nhà hàng, cô nộp đơn "không ngừng nghỉ" vào hàng loạt vị trí, từ quản lý, vận hành đến trợ lý, nhưng không được hồi đáp. Để tăng lựa chọn cho bản thân, cô giờ học thêm cả môi giới bất động sản và đang học online khóa cử nhân Marketing tại Đại học Maryland.
"Tôi đang cố tìm bất kỳ điều gì có thể để giúp mình vượt qua thời kỳ này", Davis cho biết, "Thực tế là ngành nhà hàng, sự kiện cũng sẽ không đứng yên trong vài năm đâu".
Dù các công ty Mỹ đã tuyển lại hàng triệu lao động kể từ khi đại dịch bắt đầu tàn phá nền kinh tế này, gần 4 triệu lao động như Davis hiện đã bị xếp vào nhóm thất nghiệp dài hạn, tăng so với 2,4 triệu hồi tháng 9. Những người này - được định nghĩa là thất nghiệp ít nhất 6 tháng - chiếm khoảng 37% số người thất nghiệp. Một khi vào nhóm này, họ sẽ khó tái gia nhập thị trường lao động hơn. Việc này sẽ càng kéo tụt đà phục hồi kinh tế của Mỹ.
"Họ đang bị mắc kẹt và bắt đầu đối mặt với sự phân biệt đối xử", William Spriggs - Giáo sư Kinh tế tại Đại học Howard cho biết, "Nhà tuyển dụng coi họ là sản phẩm đã hư hỏng".
Số người thất nghiệp dài hạn tăng sẽ khiến Tổng thống đắc cử Joe Biden càng gặp khó khi tỷ lệ thất nghiệp tại đây vẫn giữ nguyên ở 6,7% trong tháng 12. Đây là tháng đầu tiên số liệu này không có sự cải thiện kể từ tháng 4. Con số này có thể còn tiếp tục tăng cho đến khi những người này tìm được việc, hoặc quá chán nản và quyết định rời thị trường lao động.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Mỹ cho thấy hơn nửa số người trong nhóm thất nghiệp dài hạn thuộc về các ngành: giải trí, nhà hàng - khách sạn, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và bán buôn
Sự khó khăn khi tìm việc mới ám ảnh cả lao động tay nghề thấp và cao. Các nhân viên bán hàng, chuyên viên, quản lý có tỷ lệ thất nghiệp dài hạn còn cao hơn lao động trong ngành dịch vụ. Số liệu cũng cho thấy phụ nữ có khả năng thất nghiệp dài hạn cao hơn nam giới, đặc biệt trong nhóm tuổi 25 - 44.
Tyler Johnson (23 tuổi) hồi tháng 4 cũng mất công việc tìm kiếm khách hàng tại một công ty viễn thông. Anh vẫn muốn ở lại ngành này để tận dụng các chứng chỉ đã đạt được. Anh cũng hy vọng được làm việc tại nhà, do sợ lây nhiễm Covid-19.
Dù sẵn sàng làm việc tại một cửa hàng đồ ăn nhanh, Johnson vẫn đang cố không đi lùi trong sự nghiệp. Anh đã có một vài cuộc phỏng vấn với các công ty viễn thông, nhưng đều thất bại.
"Thị trường lao động đông đúc quá rồi", anh nói, "Quá nhiều người đang tìm cùng một loại công việc". Johnson giờ đang gây dựng công ty riêng, có tên Clay Johnson Entertainment Promotion.
Quốc hội Mỹ nhận thấy rất nhiều người đang chật vật tìm việc mới. Tháng trước, họ gia hạn thêm 11 tuần với hai chương trình hỗ trợ chủ chốt cho người thất nghiệp trong đại dịch. Các nghị sĩ cũng chấp thuận hỗ trợ thất nghiệp 300 USD mỗi tuần cho đến giữa tháng 3.
Andrew Appold rất mừng khi nghe những thông tin này. Là một kỹ thuật viên tại Disneyworld, Appold bị cho nghỉ việc không lương từ tháng 4. Anh đã tiêu hết số tiền tiết kiệm tích lũy năm ngoái và đã phải vay tiền của gia đình, dùng thẻ tín dụng để thanh toán chi phí. Mỗi tuần, anh chỉ nhận được 275 USD trợ cấp thất nghiệp của bang.
Appold năm nay 31 tuổi, đã lấy bằng thạc sĩ năm ngoái. Anh đã nộp đơn cho hàng trăm công việc trên khắp cả nước, nhưng chỉ được mời đến một cuộc phỏng vấn và trượt. Những ngày này, phần lớn công việc anh thấy quảng cáo là các vị trí lương thấp mà anh thừa trình độ.
Vì thế, Appold lên kế hoạch tiết kiệm nhiều tiền nhất có thể để bắt đầu đến các thành phố khác và tự nộp hồ sơ ở đó. Anh cũng đang kinh doanh riêng nữa. "Nộp đơn xin việc trên LinkedIn, qua các email ẩn danh mà bạn không thể hồi đáp chẳng còn tác dụng gì nữa", Appold nói.
Hà Thu (theo CNN)