Gửi đến tất cả các bạn đọc ủng hộ phương pháp dùng roi vọt để dạy dỗ, uốn nắn trẻ em, các bạn có thể giúp tôi phân biệt hai cái này: "Thương cho roi cho vọt" và "Bạo hành, ngược đãi trẻ em"?
Tôi có thể không biết về phương diện người làm cha mẹ thì cách ứng xử trên khác nhau như thế nào, nhưng chắc chắn đều giống nhau ở việc để lại những tổn thương tâm lý từ nhẹ đến nặng trong tâm hồn non nớt trắng trong của mỗi đứa trẻ.
Nhiều bạn bị đánh đến mức gần như bị hội chứng Stockholm, tức coi như việc bị bạo hành như một kỉ niệm đẹp của tuổi thơ và nếu không có nó thì các bạn không thành nhân được như bây giờ. Thật nực cười.
"Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời", câu này không sai một li đâu. Các bạn hãy nhớ câu này thật kĩ để áp dụng mỗi khi có những hành động, lời nói cay nghiệt với con các bạn, bởi điều đó sẽ được các cháu "nhớ đời"..
Cũng vì nhớ đời quá nên tôi đã phải loay hoay trong trầm cảm nặng gần hai chục năm, và âm thầm đi điều trị tâm lý gần một năm bởi những đòn sát thương không phải từ roi vọt thể xác mà "dùi cui tinh thần" của bố tôi từ thủơ tôi còn bé...
Tôi là một cô gái trẻ, sinh viên năm cuối một trường đại học tại Hà Nội. Từ khi học cấp hai, tính cách của tôi đã già như một bà già, mất hết vẻ vô tư, vui tươi và hoàn toàn lạc lõng giữa bạn bè đồng trang lứa vì tôi không thể hồn nhiên thoải mái được như họ.
Khi lên cấp ba, tôi có quen một anh bạn hơn tôi 10 tuổi. Anh nhận xét rằng cách suy nghĩ, ăn nói, lo âu của tôi không hợp với cái tuổi 18 tí nào. Khuôn mặt tôi xinh xắn tươi trẻ nhưng tâm hồn tôi già dặn, tính cách chín chắn hơn tuổi quá nhiều.
Chỉ có tôi hiểu. Tôi gặp những rắc rối tâm lý, những bất ổn tâm lý khiến tôi không thể định hình được cách nhìn với bản thân, không thể định hình được cuộc sống của mình, luôn nhìn bản thân và cuộc sống với cái nhìn quá mặc cảm và u ám.
Và trong thâm tâm, tôi hận bố tôi. Tôi hiểu những gì ông đối xử với tôi trong gần hai chục năm đã gây ra chi chít vết sẹo tổn thương và tạo cho tôi cái cách nhìn tiêu cực u ám về mọi thứ như vậy. Đó là tiến trình phát triển của tôi, sự tồn tại của tôi...
Bố tôi là một người cực kì nóng tính, gia trưởng, cục cằn, bảo thủ, sống khô khan lạnh lùng...Cái tôi cá nhân của ông quá cao, cao đến mức ông chuyên quyền và không bao giờ đếm xỉa đến suy nghĩ, cảm xúc của người khác, không bao giờ nhận sai, không bao giờ biết đến hai chữ "hối hận" hay "nhìn lại".
Trí nhớ của một đứa trẻ 6 tuổi vẫn hằn in mồn một từng chi tiết của những buổi tối tôi học bài chưa hiểu, bố tôi nóng giận mất kiểm soát dùng những từ ngữ xúc phạm chửi con và quát tháo, nạt nộ ầm ĩ để thỏa mãn cơn tức tối ích kỉ. (Bố tôi là thạc sĩ về công nghệ nông nghiệp, tức là người có trình độ trí thức cao, hiểu biết rộng, ông cầu tiến trong tìm tòi tri thức và nhìn mọi thứ với con mắt khoa học, có lẽ chỉ trừ việc đối nhân xử thế và dạy con).
Tôi dần hình thành tâm lý tự ti, co vào vỏ ốc của mặc cảm từ quá nhiều những cơn nạt nộ chửi bới của bố. Tôi luôn nghĩ mình thua kém bạn bè, thua kém mọi người xung quanh.
Ông sẵn sàng tống vào tôi những âm thanh tồi tệ nhất khi cơn nóng giận choán ngập làm ông như một "con thú" mất kiểm soát. Sau ngần ấy năm tôi vẫn không cảm nhận được chút tình cảm nào của người cha ấy.
Mỗi khi ông lên cơn nóng giận ngút ngụt, ông ấy gầm gào và làm tổn thương đứa con bé nhỏ bằng những lời nói cay nghiệt và sát thương nhất. "Mày có phải là con tao không mà sao ngu thế?" rồi "đầu óc bã đậu", "ngu si", "dốt nát", "cái loại như mày...".
Bản chất tôi là một đứa trẻ rất bướng từ bé, nhưng tôi cũng cực kì nhạy cảm, sống tình cảm vì thế tuy bướng nhưng phải khi được giải thích thì mới chịu, rất dễ bảo chứ không phải lì và trơ.
Tâm hồn non nớt dễ tổn thương của con trẻ cần được nâng niu và vì thế nghiêm khắc phải đi cùng sự kiềm chế, điềm đạm, nhưng bố tôi thì không cần biết những thứ ấy.
Vậy nên mặc dù sức học của tôi không hề kém và khi tinh thần thoải mái thì học rất nhanh, nhưng phần lớn thời gian tôi đã bị ức chế trầm trọng. Tư duy bị chặn đứng và năng lực bản thân bị triệt tiêu vì quá nhiều những suy nghĩ tiêu cực về chính mình mà bố đã nhồi nhét cho tôi từ bé.
Sự ức chế cảm xúc không những làm giảm sút trí tuệ mà còn gây tác động lên tinh thần khi tôi trầm cảm ngày càng nặng hơn (nhưng vì tôi vốn sống nội tâm và bố mẹ tôi vô tâm nên họ không biết điều đó, tôi tự tìm hiểu thông tin về căn bệnh tâm lý của mình và tự đi chữa trị). (Xem thêm: Ám ảnh suốt đời vì tuổi thơ bị ba ép uống sữa đến sặc )
Bạn là người lớn, bị người lớn khác chơi khăm, chơi xỏ mất tiền, mất tình mà đau đến ghi lòng tạc dạ không quên được, thì những đứa trẻ như tờ giấy trắng còn dễ nhớ và không thể quên những gì bạn đối xử với chúng đến chừng nào.
Hãy dừng các hình thức "dạy dỗ" như roi, cán chổi, úp mặt vào tường hay nhốt vào nhà vệ sinh. Bởi có thể điều ấy gây ức chế và tổn thương nặng đến con bạn tới mức khi chúng lớn lên thì điều sâu đậm nhất chúng nhớ về các bạn những thứ đó. Chúng hoàn toàn lấn át đi những kí ức đẹp đẽ quây quần tụ họp gia đình, làm mất giá trị đi những hình ảnh bạn chơi đùa ôm hôn yêu thương chúng...
Tôi đã cố gắng để có tình cảm với bố, nhưng điều đó là không thể khi tôi đã rơi quá nhiều nước mắt và trở nên lạnh lùng tới mức cực đoan để tự bảo vệ chính mình trước sự nhẫn tâm của ông ấy. Không thể, dẫu cho sự nhẫn tâm ấy có được ngụy trang bằng lớp áo "thương cho roi cho vọt" hay "phải uốn từ khi là măng chứ không phải đợi đến khi thành tre" đi chăng nữa.
Để không bị bất lực trong giáo dục con cái thì các bạn hãy tự nâng cao hiểu biết của chính mình qua việc đọc nhiều sách báo để nói chuyện, bồi đắp kiến thức cho con mỗi ngày. Rồi hướng dẫn con cách cư xử văn minh lịch sự để dẫu nó có nghịch nhưng là cái nghịch có hiểu biết để hình thành cá tính chứ không nguy hiểm hay phạm pháp.
>> Xem thêm: Bé 10 tuổi muốn tự tử vì mẹ đánh đòn
Ngân
Chia sẻ bài viết về cách dạy con tại đây