Ý kiến trên được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nêu khi kết luận Hội nghị Thành ủy TP HCM mở rộng bàn về nhiệm vụ chống dịch và phục hồi kinh tế trong thời gian tới, diễn ra chiều 14/10, sau một ngày làm việc.
Ông Nên giao ngành y tế thành phố trước mắt chuẩn bị nhân sự, điều kiện để tiếp nhận, thay thế công việc khi các lực lượng tăng cường chống dịch bàn giao lại. Thành phố cần chuẩn bị các kế hoạch, kịch bản, tình huống, kể cả tổ chức diễn tập cho giai đoạn nới lỏng giãn cách.
Trước đó, trong công văn gửi chính quyền TP HCM, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng dịch tại thành phố cơ bản đã được kiểm soát. Thành phố cần sắp xếp để các đoàn chi viện rút về địa phương, chậm nhất ngày 15/10.
"Lần trước chúng ta bị động, lúng túng vì thiếu chiến lược, thiếu kịch bản", ông Nên nói. Do đó lần này thành phố phải chuẩn bị ngay kế hoạch, đưa ra những tình huống diễn tập phòng khi tình huống xảy ra. Thành phố cần chuẩn bị một số đội lưu động đủ lực lượng, thiết bị y tế sẵn sàng ứng phó dập dịch.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cho rằng việc quản lý giai đoạn nới lỏng giãn cách chắc chắn sẽ không thể kiểm soát được nghiêm ngặt. F0 sẽ xuất hiện ở nơi sản xuất, cửa hàng, công viên... "Những nơi có nguy cơ thành ổ dịch lớn, phải có lực lượng dập tắt ngay, không để lây lan gây quá tải y tế như trước. Chuẩn bị thuốc, vaccine, test nhanh để sẵn sàng thực hiện khi cần thiết", ông Nên nói.
Đánh giá kết quả chống dịch thời gian gần đây đạt nhiều khả quan, đặc biệt số tử vong hàng ngày đã giảm ở mức 2 con số, trên dưới 60 ca, ông Nên cho rằng con số này có thể vẫn cao, nhưng so với lúc cao điểm cho thấy sự nỗ lực của toàn hệ thống. Tuy nhiên, khi nào không còn ca tử vong nữa mới đúng với nguyện vọng và yêu cầu của thành phố.
Về nhiệm vụ cấp bách thời gian tới, ông đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.
"Từng bước mở cửa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, an toàn đến đâu mở cửa đến đó, không nôn nóng nhưng không để lỡ cơ hội. Nếu đã tăng tốc chiến đấu 200% trong thời gian có dịch, bây giờ cần tăng tốc trở lại đường băng với tốc độ như thế, không được chậm trễ", ông nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM cũng giao UBND thành phố nghiên cứu, đề xuất hình thức tổ chức phù hợp đại lễ cầu siêu cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch lịch sử vừa qua. Thành phố cần tập trung triển khai kế hoạch chăm lo cho các cháu mồ côi, người già neo đơn do dịch bệnh...
Bên cạnh đó, ông yêu cầu cơ quan chức năng tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, hợp tác công tư để phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân để giãn dân và cải thiện môi trường sống; có chiến lược, lộ trình cụ thể triển khai chương trình xây dựng một triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và người thu nhập thấp.
Trước đó, đánh giá tác động do Covid-19, ông Nên cho rằng kinh tế thành phố bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan là tác động của Covid-19 còn những nguyên nhân chủ quan, "không phải tất cả đều đổ cho dịch".
"Dịch bệnh lâu quá làm chúng ta bị động và không thực hiện được kế hoạch ban đầu đặt ra. Ta còn hạn chế trong dự báo, phân tích, đánh giá, xây dựng triển khai kịch bản trong phòng, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế - xã hội ngắn và dài hạn", ông Nên nói và cho rằng qua đại dịch, toàn hệ thống chính trị bộc lộ hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém cần phải nghiêm túc đánh giá, tìm giải pháp.
Trung Sơn