- Long An đã ghi nhận 17.047 ca nhiễm cộng đồng - đứng sau TP HCM và Bình Dương, số ca nhiễm phát sinh hàng ngày còn đang ở mức cao. Nguyên nhân của tình trạng này là gì, thưa ông?
- Thời gian qua, tình hình Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc liên tục tăng nhanh đã tác động nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tính đến ngày 20/8, số ca nhiễm của tỉnh đã vượt 17.000 (214 ca tử vong), trong đó điều trị khỏi và xuất viện khoảng 6.450 ca. Số ca nhiễm tập trung chủ yếu tại 33 trên 188 xã, phường, thị trấn, thuộc 5 địa phương trọng điểm (TP Tân An, Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Cần Đước), chiếm tỷ lệ 92,7%.
Nguyên nhân của tình trạng ca nhiễm tăng cao là do biến thể Delta có khả năng lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn. Long An tiếp giáp trực tiếp TP HCM, có rất nhiều khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, nên số lượng công nhân và người nhập cư rất đông.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội, nhất là trong thời gian đầu có nơi, có lúc chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, còn xảy ra tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong".
Nguyên nhân cuối cùng là do một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch; thực hiện chưa nghiêm theo quy định giãn cách xã hội, nhất là yêu cầu 5K và các quy định trong khu cách ly, khu vực phong tỏa.
Hiện nay, cùng với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho nhiệm vụ phòng, chống dịch với tinh thần "hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ tính mạng nhân dân và khôi phục phát triển sản xuất bền vững trong dài hạn".
- So với các đợt dịch trước, lần này tỉnh gặp những khó khăn nào?
- Long An xuất hiện ca F0 ngoài cộng đồng đầu tiên vào ngày 27/5, nguồn lây từ nhóm Truyền giáo Phục Hưng ở TP HCM. Kể từ đó đến nay, dịch bệnh bùng phát rất nhanh và gây nên nhiều khó khăn, thách thức.
Đầu tiên, đây là cuộc chiến chưa có trong tiền lệ nên trong quá trình phòng, chống dịch, tỉnh phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa khắc phục, điều chỉnh.
Long An là địa bàn kết nối giữa TP HCM và các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên công tác phòng, chống dịch có những khó khăn nhất định, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý, giám sát người di chuyển qua địa bàn tỉnh.
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành y tế chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; đội ngũ y tế thiếu hụt so với yêu cầu, trong khi đó tình hình dịch bệnh diễn biến rất nhanh. Hầu hết bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung phải trưng dụng các trụ sở cơ quan, trường học, nhà xưởng, các trung tâm y tế huyện...
- Năng lực y tế của tỉnh hiện nay ra sao?
- Tỉnh dự kiến số lượng ca nhiễm đạt mức 20.000. Đến nay, tỉnh đã thành lập và kích hoạt 57 khu cách ly tập trung, với năng lực cách ly khoảng 11.500 giường. Tỉnh có 47 cơ sở xét nghiệm, với năng lực test nhanh kháng nguyên là 15.100 mẫu một ngày, xét nghiệm khẳng định PCR đối với mẫu đơn là 2.350 mẫu một ngày. Địa phương cũng có 31 cơ sở thực hiện nhiệm vụ cách ly, điều trị các ca nhiễm, với tổng công suất 8.153 giường bệnh, theo đó phân thành 3 tầng cách ly, điều trị. Nếu số lượng ca nhiễm tiếp tục tăng cao sẽ vượt tầm kiểm soát của tỉnh, nên sẽ cần Trung ương hỗ trợ, chi viện.
- Biện pháp quan trọng nhất để kiểm soát dịch bệnh của Long An lúc này là gì?
- Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vì mục tiêu "bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết", quyết tâm khống chế, dập dịch "vùng đỏ", bảo vệ "vùng xanh" và tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh xác định triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ "3 mũi giáp công":
Thứ nhất, tận dụng tốt nhất "thời gian vàng" giãn cách xã hội để đẩy mạnh điều tra, truy vết, xét nghiệm tầm soát trong các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Thứ hai, tổ chức thực hiện thật nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, đảm bảo thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn theo nguyên tắc "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình". Tỉnh kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó"; kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn các trường hợp di chuyển trái phép vào địa bàn tỉnh; phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; không để xảy ra tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong".
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân, đảm bảo tỷ lệ bao phủ, tiến tới miễn dịch cộng đồng, trước tiên tập trung cho "vùng đỏ".
Ngoài ra, địa phương cũng tập trung huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí, hành động của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, đồng hành của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Đồng thời, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
- Trong thời gian cách ly xã hội, Long An triển khai những giải pháp nào để đảm bảo an sinh xã hội?
- Với quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Long An đã sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.
Tính đến ngày 19/8, tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho trên 361.400 người, với tổng kinh phí trên 164,4 tỷ đồng, trợ cấp trực tiếp trên 77,4 tỷ đồng cho khoảng 67.000 công nhân, người lao động tự do.
Ngoài ra, tỉnh đã tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, kêu gọi phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân tương ái", "nhường cơm sẻ áo". Địa phương đã vận động các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia đóng góp để chăm lo cho các nhóm (ngoài các nhóm theo Quyết định số 23) như hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, công nhân ngoài tỉnh ở lại các nhà trọ trong vùng dịch, với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng.
Đối với cấp huyện, đã vận động được trên 113,1 tỷ đồng để hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các khu cách ly, khu phong tỏa và các nhóm có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, người lao động... Tỉnh cũng đã và đang chi hỗ trợ các nhóm theo Quyết định số 23 cho đợt giãn cách tiếp theo.
Hoàng Nam