Tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 và các sở, ngành, quận, huyện chiều 10/5, ông Dũng đánh giá Hà Nội đang có nguy cơ bùng phát dịch do xuất hiện các ca bệnh ở cộng đồng và ở hai bệnh viện trung ương. Tuy nhiên, Thường trực Thành ủy đã nhận định nguy cơ dịch bệnh và sớm chỉ đạo để các lực lượng triển khai nhiều biện pháp "bài bản, khoa học, sáng tạo", kể cả trong những ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5.
"Ngay khi có ca bệnh Covid-19 do lây nhiễm trong cộng đồng từ tỉnh Hà Nam, thành phố đã khẩn trương cách ly, phong tỏa kịp thời, quyết liệt, nhưng không cực đoan; đồng thời phối hợp xử lý các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; Bệnh viện K cơ sở Tân Triều", ông Dũng dẫn chứng.
Để phòng, chống dịch, thành phố đã tạm dừng hoạt động tập trung đông người không cần thiết, một số dịch vụ có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh; tạm thời cho học sinh các cấp nghỉ học; tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho nhiều khu vực, trường hợp có nguy cơ cao.
"Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin với tôi, 11.000 cán bộ, công nhân viên y tế và bệnh nhân của viện đã được xét nghiệm, kết quả đều âm tính", Bí thư Hà Nội nói, nhưng đề nghị để phòng ngừa dịch, cần tạm thời đóng cửa các hàng quán xung quanh cơ sở y tế.
Nhắc lại nội dung đã trao đổi với báo chí trước đó, Bí thư Hà Nội cho biết có thời điểm xuất hiện tin đồn "phong tỏa thành phố", ông đã lên tiếng bác bỏ. Dù dịch diễn biến phức tạp và có cách ly hạn chế một số điểm như một tầng chung cư, một thôn hay một bệnh viện, thành phố "không giãn cách, phong tỏa một cách cực đoan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội".
Dự báo tình hình Covid-19 trong thời gian tới còn phức tạp, Bí thư Hà Nội kêu gọi người dân "không chủ quan nhưng cũng không bi quan lo lắng thái quá". Người đứng đầu cấp ủy các cấp không được ra khỏi thành phố, trường hợp đặc biệt phải báo cáo. Địa phương, đơn vị nào để cán bộ, nhân viên mắc Covid-19 do lơ là, chủ quan thì lãnh đạo cơ quan đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Bí thư Hà Nội cũng nêu cách làm sáng tạo của huyện Đông Anh khi khoanh vùng ổ dịch theo 3 lớp (lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị 16, lớp tiếp theo thực hiện theo Chỉ thị 15, lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19) từ đó vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa không ngăn sông cấm chợ, làm đảo lộn cuộc sống người dân và yêu cầu các quận, huyện nhân rộng cách làm hiệu quả này.
Đến 11h ngày 10/5, Hà Nội ghi nhận 46 ca mắc ngoài cộng đồng tại 11 quận, huyện (Thường Tín, Đông Anh, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Thanh Oai, Hai Bà trưng). Trên toàn thành phố có 30 địa điểm bị cách ly, phong tỏa với gần 25.000 người.
Hà Nội có thể đóng cửa quán bia hơi
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, các cơ quan đơn vị và nhân dân thành phố đã vào cuộc phòng, chống dịch, nhưng vẫn còn một số nơi chưa thực hiện quyết liệt. Ông dẫn chứng, có những công viên, vườn hoa, sân đá bóng chưa thực hiện nghiêm quy định tạm dừng hoạt động.
Ngoài ra, Chủ tịch thành phố cho biết có một số loại hình ăn uống không thiết yếu ví dụ bia hơi và một số hình thức khác có nguy cơ làm lây lan dịch. Thực tế đó đặt ra yêu cầu thành phố phải tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh trên để phòng, chống dịch.
Võ Hải