Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi trao đổi với báo giới tối 6/5.
"Hà Nội chỉ khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, hợp tác với cơ quan chức năng để đẩy lùi dịch bệnh", Bí thư Hà Nội nói và khẳng định "không có chuyện phong tỏa thành phố vào thời điểm hiện nay như một số thông tin đồn thổi".
Theo ông Đinh Tiến Dũng, hiện tình hình dịch bệnh tuy căng thẳng, nhưng các cơ quan chức năng của thành phố vẫn thực hiện hiệu quả những biện pháp cần thiết. Các ca bệnh đều được khẩn trương truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm những người liên quan để sàng lọc.
Đi kiểm tra phong tỏa tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều sáng 7/5, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng khẳng định: "Không có chuyện phong tỏa hay giãn cách xã hội toàn thành phố thời điểm này". Theo ông, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố "từng giờ, từng phút đang nỗ lực dập dịch. Bà con và nhân dân yên tâm".
Ông cũng đề nghị người dân chia sẻ với thành phố bằng cách nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, như 5K, không ra khỏi nhà khi không cần thiết, không tụ tập đông người.
Từ khi Việt Nam ghi nhận những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên (tháng 3/2020), đã nhiều lần xuất hiện tin đồn "phong tỏa thành phố Hà Nội". Đêm 6/3/2020, với việc ghi nhận "bệnh nhân 17", thành phố cách ly một đoạn phố Trúc Bạch, lúc đó xuất hiện thông tin thành phố sắp bị phong tỏa khiến nhiều người lo lắng. Lãnh đạo thành phố đã ngay lập tức lên tiếng trấn an người dân, bác bỏ thông tin thất thiệt.
Cho đến nay, mức độ chống dịch cao nhất thành phố đã thực hiện là khi Thủ tướng ban hành chỉ thị 16 (31/3/2020), yêu cầu cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".
Tính đến chiều 6/5, Hà Nội ghi nhận tổng cổng 51 ca bệnh, trong đó 42 ca liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương (cơ sở 2 tại Đông Anh).
Võ Hải