Đây là nội dung trong dự thảo Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm mà Bộ Y tế đang trình Chính phủ.
Ngoài ra, những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (từ 500.000 đến một triệu đồng) nếu bày bán thực phẩm không có bàn, giá kệ, không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, ngăn côn trùng gây hại... Nếu sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ thì sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng.
Trong dự thảo nghị định này, khung tiền phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đều được nâng lên so với trước đây. Ảnh: P.N. |
Việc sử dụng sản phẩm động vật đang trong thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch để sản xuất, chế biến thực phẩm cũng bị phạt 5-10 triệu đồng.
Đây là lần đầu tiên có một nghị định riêng về xử phạt phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh thanh tra Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận, quả thực mức phạt cũ được áp dụng từ năm 2005 chưa đủ sức răn đe đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn.
"Tuy nhiên, phạt tiền không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà cần làm tốt các biện khác như tịch thu, tiêu hủy, ngăn chặn không đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, công khai các đơn vị cố tình vi phạm... Đặc biệt, việc tẩy chay những sản phẩm không đạt chất lượng của chính người tiêu dùng sẽ là quyết định xử phạt cao nhất và có giá trị răn đe bền vững nhất", ông Nhiên nói.
Phương Trang