Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thông tin như trên, sáng 13/5 . Tuy nhiên, ông nói thành phố không chủ quan mà tiếp tục triển khai xét nghiệm trên diện rộng, tập trung vào các nơi nguy cơ cao để xác định nguồn lây trong cộng đồng.
Đà Nẵng hiện đầy đủ mọi điều kiện để chống dịch, từ sinh phẩm, các vật tư y tế và lực lượng lấy mẫu; năng lực xét nghiệm có thể đạt 15.000 mẫu mỗi ngày.
Theo Bí thư Đà Nẵng, ngay sau khi phát hiện "bệnh nhân 3545" và có đến 33 F1 của nữ nhân viên tổng đài nhiễm nCoV, thành phố lập tức cho kiểm tra lại toàn bộ khu vực sản xuất, các biện pháp phòng dịch ở các khu công nghiệp trên địa bàn.
Trong đó, yêu cầu tất cả các khu công nghiệp phải có các tổ phòng chống dịch như Tổ Covid cộng đồng để kiểm tra, giám sát hàng ngày; xét nghiệm cho toàn bộ công nhân; ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu của Trung ương và thành phố.
"Cũng có ý kiến cho rằng phải đóng cửa một số khu công nghiệp, nhưng quan điểm của lãnh đạo Thành uỷ là chưa cần thiết, vì sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Bây giờ việc cần làm vừa đảm bảo sản xuất, vừa kiểm soát được dịch", ông Quảng nói, cho biết qua kiểm tra thì nhiều doanh nghiệp làm tốt việc phòng dịch, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Liên quan đến Công ty Cổ phần dịch vụ Trường Minh (nơi làm việc của nữ nhân viên tổng đài), ông Quảng nói công ty này nằm trong Khu công nghiệp An Đồn, nhưng thực tế là thuê văn phòng làm việc, chứ không phải là công nhân sản xuất trong khu công nghiệp. Không gian làm việc của các nhân viên tổng đài là phòng lab chật chội, không đảm bảo khoảng cách.
Ở công ty này khi ghi nhận F0 thì xét nghiệm phát hiện ra ngay 33 ca dương tính. Trong khi ở một công ty khác cùng trong Khu công nghiệp An Đồn, phát hiện ca dương tính nhưng không có ca lây nhiễm, nhờ điều kiện làm việc đảm bảo giãn cách. Ông Quảng nhận định, khi bố trí làm việc trong một không gian đảm bảo thì giảm lây nhiễm.
"Tối qua chúng tôi đã so sánh việc này để yêu cầu tất cả các doanh nghiệp có công nhân làm việc phải đảm bảo không gian giãn cách. Đây cũng là giải pháp triển khai bước đầu trong việc chống dịch trong khu công nghiệp và một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố", ông nói.
Ông Phan Văn Sơn, Phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cho biết sau khi phong toả tạm thời Khu công nghiệp An Đồn, ngay trong đêm 11/5, thành phố đã lập 34 chốt kiểm soát nơi ở của các ca nghi nhiễm liên quan đến nữ nhân viên tổng đài, lấy mẫu xét nghiệm cho gần 4.500 người dân sống trong khu vực liên quan và kết quả xét nghiệm đều âm tính.
225 F1 liên quan đến 34 ca bệnh đã được đưa đi cách ly tập trung để lấy mẫu xét nghiệm. "Hiện nay thành phố đang thần tốc truy vết với những người liên quan còn lại. Nhờ sự chủ động, làm việc với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến thành phố suốt hai ngày đêm, đến nay cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh", ông nói.
Trong những ngày tới, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng kêu gọi người dân "không có việc gì cần thiết thì không nên ra đường". Ông cho rằng, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp chống dịch nhưng quan trọng nhất vẫn là việc đồng thuận, chấp hành của người dân.
"Trong tình hình hiện nay, việc lây nhiễm trong cộng đồng chúng ta chưa đánh giá được còn hay không còn người mắc, nên người dân hạn chế trong tiếp xúc, di chuyển để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng", ông Quảng nói.
Theo ông Quảng, người dân hạn chế ra đường sẽ giúp ích rất lớn cho lực lượng chức năng trong việc điều tra việc di chuyển của các ca F0, nhanh chóng truy vết, khoanh vùng hiệu quả, hạn chế được lây nhiễm lan rộng. Do đó, việc ra lời kêu gọi này có ý nghĩa rất quan trọng trong chống dịch.
Lãnh đạo Thành uỷ cũng khẳng định, đến nay chưa có chủ trương phong tỏa hay giãn cách toàn thành phố với tinh thần "không hốt hoảng, giãn cách xã hội một cách cực đoan, làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội và các hoạt động sản xuất kinh doanh".
Từ 0h ngày 4/5, Đà Nẵng yêu cầu tạm dừng hoạt động các sự kiện lễ hội, tôn giáo; các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, vũ trường, quán bar, massage; cấm tắm biển; từ 12h ngày 7/5, cấm bán hàng ăn, uống tại chỗ, chỉ cho bán mang về. Đến nay, người dân cơ bản chấp hành tốt và mới có hai trường hợp bị xử phạt.
Từ ngày 3 đến 6h ngày 13/5, Bộ Y tế công bố 102 ca mắc Covid-19 cộng đồng ở Đà Nẵng, liên quan đến các chuỗi lây nhiễm ở khách sạn Phú An, vũ trường New Phương Đông, Thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA và Công ty Trường Minh (Khu công nghiệp An Đồn).
Khu Công nghiệp Đà Nẵng (An Đồn) có diện tích 50 ha, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà; hiện có 44 doanh nghiệp đang hoạt động; đặc điểm chủ yếu là hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, logistic, sản xuất phần mềm, viễn thông..., làm việc trong không gian kín, máy lạnh, nhiều người làm việc.