Sáng 21/12, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ. Lãnh đạo thành phố đã dành gần một giờ lý giải về chủ trương xây hầm vượt sông Hàn vốn đang nhiều dư luận trái chiều.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lê Văn Trung nói, vị trí làm hầm vượt sông Hàn từ đoạn cuối đường Đống Đa (quận Hải Châu) sang đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà) là phù hợp quy hoạch của thành phố. Việc di dời ga đường sắt cũ sẽ hình thành trục giao thông bắc nam xuống trung tâm thành phố, khớp nối với công trình vượt sông Hàn này.
Theo ông Trung, 5 năm qua, phương tiện giao thông ở Đà Nẵng tăng rất nhanh dẫn đến ùn tắc ở một số điểm. Làm thêm công trình vượt sông Hàn sẽ giúp giảm áp lực phương tiện đi qua cầu quay.
Năm 2015, lãnh đạo thành phố chỉ đạo Sở Giao thông tham mưu làm công trình vượt sông Hàn. Sở đã nhiều lần mời các chuyên gia đầu ngành, sau đó phối hợp với UBND thành phố thi tuyển phương án. Đa số đơn vị tư vấn chọn làm cầu, số ít chọn làm hầm. Tuy nhiên, ban giám khảo xét thấy tất cả phương án cầu đều không đạt thẩm mỹ và nhu cầu tổ chức giao thông.
Tháng 10/2016, thành phố quyết định làm hầm và yêu cầu Sở Giao thông tiếp tục nghiên cứu. "Chúng tôi có hai phương án hầm. Một là nối thẳng từ đường Đống Đa sang bên kia sông, hai là nối từ Đống Đa qua đường Như Nguyệt rồi vượt sông Hàn. Phương án hầm thẳng có nhiều thuận lợi về tổ chức giao thông nhưng phải giải tỏa trên 210 hộ dân", ông Trung thông tin.
Trước việc hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng chưa đồng tình chủ trương xây hầm, ông Trung cho biết đã trao đổi lại với ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến. Hai nguyên lãnh đạo không phản đối nhưng đề nghị nghiên cứu kỹ, tránh phá vỡ quy hoạch sông Hàn. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, nơi ông Văn Hữu Chiến làm Chủ tịch, ủng hộ phương án làm cầu.
Riêng ý kiến về nâng cấp cầu Thuận Phước, ông Trung khẳng định không thể được, vì mố neo không cho phép chịu lực. Còn mở rộng cầu sông Hàn thực hiện được nhưng ảnh hưởng đến kết cấu nhịp quay, mất đi tính biểu tượng của cây cầu và vô hình chung kéo thêm phương tiện đổ về trung tâm.
Bày tỏ quan điểm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nói vừa qua đã nghe nhiều ý kiến rằng chủ trương vội vã, không nên làm hầm... "Tôi tham gia vào bộ máy lãnh đạo thành phố nhiều năm, kinh qua nhiều vị trí, tôi cũng hiểu được cơ chế vận hành. Có thể khẳng định đây là dự án được thành phố chuẩn bị rất kỹ, kỹ nhất trong các dự án", ông phát biểu.
Theo ông Xuân Anh, hơn một năm qua, Ban thường vụ Thành ủy họp đến phiên thứ 3 mới thống nhất được chủ trương làm hầm vượt sông Hàn, với đa số ủng hộ. Phiên thứ 4 sẽ diễn ra vào tuần sau để nghe báo cáo phương án tài chính, riêng thời gian khởi công chưa được quyết định.
"Chúng tôi là những người trong cuộc, hiểu rất rõ cách thức vận hành, rất dân chủ, kỹ càng, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, không vội vã. Không có công trình nào mà Ban thường vụ họp tới 4 lần chỉ để cho một cái chủ trương", ông chia sẻ.
"Quan điểm là chúng tôi sẽ cân nhắc quyết định trên tinh thần vì sự phát triển và tầm nhìn của thành phố, vì tương lai của thành phố. Chúng tôi là lãnh đạo của thành phố, hãy cho chúng tôi thẩm quyền quyết định. Chúng tôi không ngồi trên dư luận, không bất chấp dư luận, nhưng không chạy theo dư luận. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm với quyết định của mình", Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh.
Ông Xuân Anh nói thêm, nhiều chuyên gia uy tín khuyên nên làm hầm vì trời mưa gió bà con có lối qua lại, mưa bão qua cầu gặp khó khăn.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết thêm "làm hầm tốn hơn 1.000 tỷ đồng so với làm cầu. Và nếu làm thẳng từ cuối đường Đống Đa sẽ tốn thêm 800 tỷ đồng nữa để phải phóng mặt bằng nhưng sẽ cố làm" và "không có chuyện làm hầm để được nổi tiếng".
"Tôi và anh Huỳnh Đức Thơ không có một cái gì về mặt cá nhân liên quan đến dự án này cả. Nhưng tầm nhìn giao thông phải đi trước một bước, làm hầm hay cầu phải 5 đến 7 năm mới hoàn thành. Bây giờ nói thế thôi chứ triển khai thủ tục, khởi công nhanh cũng phải 2018 mới làm được. Anh em nói vui là làm xong nhiều anh em đã về hưu, không còn cơ hội đi khánh thành", ông Xuân Anh nói.
Cách đây một tuần, Đà Nẵng công bố ý tưởng làm hầm chui dài hơn 1.300 m vượt sông Hàn nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, thu hút du khách, giữ không gian mặt sông cho các hoạt động thể thao, giải trí dưới nước. Công trình có tổng mức đầu tư 4.100 tỷ đồng, chi phí vận hành 26,4 tỷ đồng/năm.
Theo số liệu của Phòng CSGT, Đà Nẵng hiện có khoảng 1,1 triệu dân với 60.000 ôtô, gần 800.000 xe máy, tỷ lệ tăng trưởng ôtô mỗi năm gần 12%, xe máy gần 8%. Khách du lịch đến thành phố mỗi năm tăng trưởng hơn 20%.
Cựu lãnh đạo Đà Nẵng: "Thành phố nên nghe nhiều ý kiến hơn" Trao đổi với VnExpress chiều 21/12, ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay ông chưa được tiếp cận với nhiều thông tin liên quan đến chủ trương xây hầm vượt sông Hàn. "Đúng ra thành phố phải tổ chức hội thảo lớn để lãnh đạo nghe nhiều ý kiến hơn thì khi quyết định sẽ chín hơn, mạnh mẽ và yên tâm hơn", ông nói. Kiến trúc sư Hoàng Sừ, người đưa ra ý tưởng mở rộng cầu quay sông Hàn thay vì làm hầm vượt cho rằng giao thông Đà Nẵng đang nghẽn cả hệ thống chứ không riêng gì khu vực cầu quay. "Làm hầm không giải quyết được ùn tắc giao thông" còn "cầu quay sông Hàn là biểu tượng của thời kỳ đổi mới, giờ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và hoàn toàn có thể cải tạo để gỡ bỏ "nút thắt nút cổ chai" gây tắc nghẽn. Trên Facebook cá nhân, ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó ban Tổ chức Trung ương, nêu quan điểm Đà Nẵng không cần thiết làm hầm chui. Việc lãnh đạo muốn có công trình tầm cỡ là đáng hoan nghênh nhưng cần nghiên cứu xem đã thực sự bức xúc bằng việc làm bãi đỗ xe, an ninh trật tự, an sinh xã hội. "Ông bà ta thường hay nói “dục tốc bất đạt” nghĩa là làm việc gì nhanh quá sẽ không thành công", ông Minh viết và mong lãnh đạo thành phố đừng vì ý tưởng thuyền buồm quốc tế mà đeo bám phương án hầm chui. |
Nguyễn Đông