Tại Hội thảo khoa học "Đà Nẵng - 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị" tổ chức tại Đà Nẵng ngày 17/12, kiến trúc sư Hoàng Sừ, nguyên viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam, cho rằng Đà Nẵng chưa nên xây dựng hầm chui vượt sông Hàn vì hiện "chưa thực sự cần thiết".
Thay vào đó, thành phố nên dành hơn 4.000 tỷ dự định đầu tư xây hầm vượt sông để mở rộng cầu quay sông Hàn hiện nay, xây dựng thêm các nút giao thông khác mức ở các điểm nóng đang xảy ra ùn tắc như hai đầu đường Nguyễn Văn Linh nơi giáp sân bay quốc tế và Bảo tàng Chăm, vòng xuyến Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ.
Trao đổi thêm với VnExpress, kiến trúc sư Hoàng Sừ nói: "Tôi hoàn toàn phản đối việc làm hầm và cả làm cầu nữa. Làm cầu thì không nên vì đoạn sông này dài 2,5km duy nhất còn lại ở sông Hàn, nếu làm cầu sẽ làm hỏng cả kiến trúc dòng sông". Làm hầm chưa nhất thiết vào thời gian này mà có thể 10 hay 15 năm nữa khi đô thị thành phố thực sự phát triển.
Theo ông Sừ, làm hầm vượt sông không chỉ tiêu tốn số tiền hơn 4.000 tỷ đồng, mà chi phí bảo dưỡng như ở hầm Thủ Thiêm bắc qua sông Sài Gòn mỗi năm trên 50 tỷ đồng là số tiền không hề nhỏ. Thêm vào đó, việc phục vụ cho giao thông qua đoạn cuối đường Đống Đa sang phía Trần Hưng Đạo chỉ là một bộ phận cư dân ở chung cư bên quận Sơn Trà.
"Ở Thượng Hải (Trung Quốc) có hơn 20 triệu dân và chỉ có 4 cây cầu nhưng họ vẫn tổ chức giao thông rất tốt. Đà Nẵng có 6 đến 7 cây cầu từ sông Hàn về phía sông Cẩm Lệ rồi thêm một cái hầm nữa sẽ phí tiền không giải quyết được vấn đề gì mà lại tiêu tốn ngân sách quá lớn", ông Sừ nói.
Theo ông Sừ, dành số tiền 4.000 tỷ đồng vào giải quyết bài toàn ách tắc giao thông thì theo tính toán của tôi, việc mở rộng gấp đôi cầu quay hết chi phí khoảng 1.500 tỷ đồng, còn 2.500 tỷ đồng đầu tư các nút giao thông khác mức ở các tuyến đường trọng điểm. Các nút đầu cầu thì làm hầm chui và cầu vượt
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng không đồng tình với chủ trương làm hầm của lãnh đạo Đà Nẵng. Ông Trần Dân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng, cho biết thành phố đang tồn tại câu chuyện hai cây cầu quan trọng về giao thông là Thuận Phước và Cẩm Lệ không đáp ứng được công năng. Giới chuyên gia đã lên tiếng phản biện trước khi xây dựng nhưng không được lắng nghe.
Tháng 3 vừa qua, khi được mời đóng góp ý kiến cho phương án xây hầm vượt sông hàn của đơn vị tư vấn thiết kế BRITEC (thuộc Bộ Giao thông) ông đã lên tiếng phản đối vì nhận thấy phương án này bộc lộ nhiều điểm bất cập. Đó là hầm được thiết kế theo hình chữ Z, bán kính chỉ có 150m và độ dốc thì lên đến 5%, rất nguy hiểm cho xe tải lớn, xe container khi lưu thông.
"Gần đây đọc báo tôi thấy rất buồn, vì Thành ủy Đà Nẵng đã quyết chủ trương làm hầm qua sông Hàn. Điều này chứng tỏ lãnh đạo thành phố không nghe ý kiến các nhà khoa học", ông Dân nói.
Ông Dân cho biết, nếu thành phố làm hầm thẳng, độ dốc tối đa 3% thì ông ủng hộ. Nếu thành phố quyết làm hầm hình chữ Z như phương án duy nhất tại cuộc thi vừa qua thì Hội Cầu đường Đà Nẵng sẽ phản đối đến cùng.
Cho rằng Đà Nẵng cần lắng nghe ý kiến từ thực tiễn, ông Dân tha thiết mời được ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu-Đường-Cảng TP HCM, Trưởng nhóm chuyên gia theo dõi công tác thiết kế, thi công, duy tu, bảo dưỡng và hiệu quả hoạt động của hầm Thủ Thiêm đến dự hội thảo.
Ông Trường cho biết, vị trí mà Sài Gòn xây hầm Thủ Thiêm là nơi quay đầu của các tàu hàng lớn và tàu du lịch, nếu làm cầu thì tĩnh không phải lên tới 45 mét, thành phố sẽ phải giải tỏa rất lớn để có thể làm đường dẫn lên cầu, nên bắt buộc phải chọn phương án làm hầm. "Thành phố Đà Nẵng nếu quyết xây hầm qua sông Hàn thì cần kết hợp đồng bộ với hệ thống metro của thành phố để tăng hiệu quả, không nên chỉ làm hầm để phục vụ cho giao thông hai bên bờ sông", ông hiến kế.
Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, nói ai cũng nhìn nhận dòng sông Hàn quá đẹp và lý tưởng, nhưng chính vì thế mà đây là một "bài toán khó" cho công tác quy hoạch dòng sông. Hướng tới đô thị hiện đại là tất yếu, nhưng giữ được cảnh quan sông Hàn là điều cần thiết hơn.
"Phát triển đô thị hiện đại thì nên làm hầm, dẫu có tốn kém, vấn đề là tiền. Đảm bảo cảnh quan và môi trường cho sông Hàn thì làm hầm là số 1. Nhưng vấn đề là làm hầm như thế nào", ông nói và cho rằng ban tổ chức cuộc thi vừa qua chưa xác định rõ chủ trương trước khi thi tuyển quốc tế về ý tưởng và phương án thiết kế công trình giao thông qua sông Hàn.
"Đúng ra phải là thi làm hầm vượt sông, nhưng đằng này đưa đề bài chung chung rồi thi tuyển xong mới quyết chủ trương làm hầm và không chấm phương án nào đoạt giải. Một cuộc thi không hiệu quả", ông Loan nói và cho biết thành phố tổ chức thi tuyển là "bỏ tiền đi mua chất xám, còn làm hay không thì phải chờ thời gian"
Theo chuyên gia này, chắc chắn thành phố sẽ phải có thêm một cuộc thi tuyển quốc tế về phương án làm hầm qua sông Hàn. "Đà Nẵng là thành phố trẻ nên cần bình tĩnh. Không nên quá bắt chước những thành phố khác trên thế giới, vì thế kỷ 20 vừa qua kiến trúc về cầu đường của nhiều nước đang bộc lộ nhiều sai lầm", ông nói thêm.
Nguyễn Đông