Tôi ký hợp đồng lao động lần thứ hai với công ty, thời hạn là 12 tháng, từ ngày 1/12/2022 đến ngày 31/11/2023. Tôi được công ty cấp laptop và một tài khoản email để trao đổi công việc. Đây là tài khoản mail thuộc sở hữu công ty, ngoài tôi ra thì phía công ty đã nhiều lần truy cập và sử dụng được.
Quá trình làm việc tôi luôn tuân thủ theo hợp đồng và các chỉ đạo công việc từ cấp trên - tức là luôn hoàn thành công việc được giao.
Khoảng cuối tháng 12/2022, tôi có sử dụng email để viết cho cấp trên trình bày ý kiến không đồng ý việc chuyển sang phụ trách công việc khác, lý do là không phù hợp nguyện vọng và kinh nghiệm làm việc trước đây. Trong email không đề cập gì đến việc xin nghỉ việc, không có thời gian xin nghỉ, thời gian bàn giao công việc cụ thể...
Tuy nhiên, vài ngày sau tôi hay tin công ty muốn cho tôi nghỉ việc. Qua một số thư từ trao đổi giữa với cấp trên và bộ phận nhân sự, tôi đều khẳng định không nộp đơn xin thôi việc và luôn bày tỏ nguyện vọng muốn tiếp tục làm việc tại công ty. Tại cuộc họp nội bộ dự án ngày 4/1, tôi đã trình bày với cấp trên về việc không nộp đơn thôi việc và vẫn làm việc ở dự án theo hợp đồng đã ký, song sếp nhiều lần cho rằng tôi đã nộp đơn thôi việc và ép tôi phải nghỉ, yêu cầu bàn giao công việc vào ngày 6/1.
Sau đó, phía công ty đã ra quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động với tôi kể từ ngày 8/1 và yêu cầu phải thực hiện bàn giao
công việc trong hôm đó.
Xin hỏi, việc công ty dựa vào địa chỉ email (mail này thuộc sở hữu công ty, không phải do tôi viết, hiện tài khoản đã bị khóa không thể truy cập được nữa) để ra quyết định chấm đứt hợp đồng lao động đối với tôi thì có đúng luật không?
Tôi có nên khởi kiện ra tòa để được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, được công ty nhận trở lại làm việc không?
Độc giả Vũ Hoàng
Luật sư tư vấn
Về nguyên tắc, người lao động chỉ có nghĩa vụ thực hiện công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động chỉ có quyền tạm thời điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước; hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh nhưng phải được quy định cụ thể trong nội quy lao động.
Thời gian điều chuyển công việc tạm thời này không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu quá thời gian này thì người sử dụng lao động chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản. Đồng thời, khi tạm thời điều chuyển, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
Như vậy, bạn cần xác định việc cấp trên yêu cầu bạn làm công việc khác so với hợp đồng lao động vì lý do gì? Trong bao lâu? Có thuộc một trong những trường hợp được pháp luật quy định nêu trên hay không? Nếu không thuộc những trường hợp được tạm điều chuyển người lao động làm công việc khác, và bạn không đồng ý thì công ty không có quyền yêu cầu bạn làm công việc khác so với hợp đồng lao động đã ký kết.
Chính vì thế, nếu công ty yêu cầu bạn làm công việc khác so với hợp đồng lao động mà bạn không đồng ý, đồng thời trong email không có bất kỳ nội dung liên quan đến việc bạn xin nghỉ việc, mà công ty vẫn chấm dứt hợp đồng lao động với bạn thì đây là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật (vì không thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1, Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019).
Nếu hành vi của công ty gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, bạn có thể nộp đơn khởi kiện tại TAND cấp huyện - nơi công ty đặt trụ sở.
Xin lưu ý rằng, trong trường hợp nội dung email bạn gửi đi có bất kỳ thông tin thể hiện ý chí của bạn muốn chấm dứt hợp đồng lao động, và công ty đồng ý thì đây được xem là trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động tại khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019.
Trường hợp nếu có tồn tại email khác có nội dung xin nghỉ việc mà bạn cho rằng mình không phải người viết thì cần phải chứng minh (do email được gửi từ địa chỉ email do bạn sử dụng ở công ty).
Có thể yêu cầu tòa xem xét những vấn đề gì?
Trong trường hợp công ty có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định, căn cứ Điều 41 Bộ luật lao động năm 2019, bạn sẽ có quyền yêu cầu:
- Nhận lại bạn vào làm việc theo Hợp đồng lao động đã ký kết.
- Trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho những ngày bạn không được làm việc theo hợp đồng lao động.
- Trả thêm khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước, nếu công ty vi phạm quy định về thời hạn báo trước.
- Trong trường hợp bạn không muốn tiếp tục làm việc, bạn còn được trả trợ cấp thôi việc để chấm dứt hợp đồng lao động nếu bạn đã làm việc thường xuyên cho công ty từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian bạn đã làm việc thực tế cho công ty trừ đi thời gian bạn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được công ty chi trả trợ cấp thôi việc, được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 6 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 6 tháng được tính bằng 1 năm làm việc. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi bạn bị công ty cho thôi việc (Điều 46 Bộ luật lao động 2019, Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
- Nhận các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của mình mà công ty chưa thanh toán.
Trường hợp bạn được nhận lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết thì bạn phải hoàn trả cho công ty các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của công ty. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà bạn vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động (khoản 1 Điều 41 Bộ luật lao động 2019).
Tuy nhiên, vì hợp đồng hiện tại là hợp đồng có thời hạn, nên rất có thể công ty đồng ý nhận lại bạn vào làm việc để tránh phải bồi thường, rồi khi kết thúc thời hạn hợp đồng công ty sẽ không tiếp tục ký tiếp hợp đồng mới với bạn.
Luật sư Phan Huy Thái Nguyên
Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật