Đó là nhịp sống quen thuộc từ hơn ba năm nay của Nguyễn Thanh Tùng trên căn penthouse ở tầng 30 tại một khu đô thị ven đô.
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh bình thường ở Nghệ An nên bố mẹ Tùng chỉ mong con có công việc ổn định. Nhưng khi ra thủ đô, cậu sinh viên Đại học Bách khoa nhận ra, thành phố này có nhiều cơ hội và không nhất thiết phải có một công việc ổn định. Từ đó, ngoài giờ lên giảng đường, Tùng lao vào làm thêm đủ nghề với mục đích "tăng cường các kỹ năng còn thiếu".
Một trong những việc làm thêm thời sinh viên đã đưa cậu trở thành nhân viên kinh doanh trong một tập đoàn công nghệ. Với thành tích bán hàng xuất sắc, có tháng ký được 220 hợp đồng, Tùng được đặc cách trở thành trưởng phòng trẻ tuổi nhất công ty, khi còn chưa nhận bằng tốt nghiệp.
Kể từ đó thu nhập, cấp bậc của chàng trai quê Nghệ An tăng dần. "Tháng thứ 2 vào công ty, tôi đạt mức lương 30 triệu đồng, đến thời điểm nghỉ việc tổng thu nhập trung bình khoảng 120 triệu đồng mỗi tháng", Tùng tiết lộ.
Mức lương của công ty vẫn không làm thỏa mãn mục tiêu "sớm tự chủ tài chính" của chàng trai trẻ. Song song với đó, Tùng liên tục mở rộng thêm các kênh thu nhập khác như kinh doanh chứng khoán hay làm startup. Hầu hết thu nhập những năm đó Tùng đều dành để săn và gom cổ phiếu của chính công ty mình đang làm. Có bất kỳ thông tin bán ra, anh sẽ cố gắng gom hết vì "cảm giác được tương lai công ty sẽ phát triển". Đúng như dự đoán, năm 2017 công ty lên sàn, kéo theo tài sản của anh tăng gấp 3.
"Khi đó tôi bán một ít để rút ra 3 tỷ đồng mua thêm cổ phần trong startup mà tôi và vài người bạn làm trước đó, cũng như phát triển mở rộng quy mô thị phần", anh nói.
Ban đầu, công ty startup của họ chỉ có một địa điểm ở Sài Gòn. Những năm sau, mỗi năm họ mở được thêm 10-15 chi nhánh, có mặt tại cả Lào và Campuchia. Sau ba năm, Tùng có hơn 50 chi nhánh. Cuối 2019, startup này được chuyển nhượng thành công cho một quỹ đầu tư của Việt Nam. Tùng chính thức trở thành người "có tiền" và nghỉ việc từ tháng 12/2018, khi đang là giám đốc kinh doanh của công ty công nghệ.
Ngày cuối năm rời khỏi công ty, trong lòng chàng trai 30 tuổi là cảm giác mãn nguyện và tràn đầy biết ơn vì nơi đây đã đào tạo anh từ những ngày đầu tiên lơ ngơ ra phố đến hiện tại tự do tài chính và từ đây tự chọn cuộc sống theo ý mình. "Trên đường ra về, mình nhớ lại những ngày tháng đầu tiên đi phát tờ rơi, bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm đều đi dán khắp các khu phố, trong túi chỉ có vài chục nghìn, chia nhau cốc nước mía", anh kể.
Ngay sau khi nghỉ, Tùng bắt đầu chi tiêu một loạt. Anh tậu xe, mua căn nhà đầu tiên và đi du lịch. Năm 2019, anh đi qua 20 quốc gia và chỉ tạm dừng khi Covid-19 bùng phát. Từ lúc này, Tùng dành nhiều thời gian thiết kế ngôi nhà trong mơ của mình. "Cũng nhờ nghỉ việc, mình mới có thời gian quen biết và lấy được vợ mình", anh cười nói.
Đối với Nguyễn Thanh Tùng, nghỉ việc không có nghĩa là không làm gì, mà là có thời gian nghỉ ngơi và được lựa chọn công việc, thu nhập tương xứng, không phải chịu bất cứ áp lực nào.
Bí quyết đầu tiên nằm ở tài chính cá nhân. Lăn lộn ngoài xã hội từ những năm đầu sinh viên cho phép Tùng cơ hội gặp được những người thầy giỏi, được chỉ bảo và sớm nhận ra tài chính cá nhân là thứ rất quan trọng nhưng chúng ta thường bỏ qua khi còn trẻ. Thời mới đầu chưa nhiều kiến thức đầu tư và mối quan hệ, anh thường dành 40% lương để gửi tiết kiệm cố định, số còn lại chi tiêu cá nhân và du lịch, học tập, mở mang mối quan hệ. Sau này anh đa dạng các hình thức kiếm tiền, bởi nghĩ sẽ khó giàu nếu chỉ bằng một nguồn thu nhập.
Cũng vì gặp gỡ nhiều anh nhận thấy những người tự do tài chính trong những năm gần đây đều liên quan đến công nghệ hoặc kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Thanh Tùng dù học kỹ thuật nhưng chưa một ngày nào làm đúng ngành. Anh tự học marketing online, điện tử viễn thông...
Chàng trai chia sẻ: "Hồi mới đi làm mình đặt mục tiêu có tiền mua chiếc guitar xịn, một chiếc xe máy và máy ảnh. Công việc đầu tiên chỉ là quản lý khu vực phát dán tờ rơi nhưng đã mang lại cho mình tháng lương 8 triệu đồng, tháng thứ hai 32 triệu đồng. Lúc đó mình nhận ra bản thân có chút năng khiếu kinh doanh nên từ rất sớm đã thực hiện kế hoạch tài chính cá nhân và luôn nắm bắt xu thế công nghệ để học hỏi, vận dụng vào khả năng kinh doanh của mình".
Bí quyết thứ hai, bạn phải là người ham học hỏi những thành công mà người khác làm được. Điều này sẽ hấp dẫn bạn luôn tìm tòi và có cảm hứng "vượt ra ngoài vòng an toàn" của bản thân. Khi xưa mới vào tập đoàn, Tùng bị thu hút bởi tấm bảng treo ảnh của những nhân viên xuất sắc. Anh tìm cách làm quen với người giỏi, từ đó xin họ lời khuyên và kinh nghiệm tại sao có thể làm tốt được như thế. "Nhờ học được kinh nghiệm của những người giỏi, chỉ mất 2 tháng mình trở thành nhân viên xuất sắc", anh cho hay.
Bí quyết thứ ba của Tùng là muốn tự do tài chính sớm thì phải dấn thân sớm. Càng lớn tuổi sẽ càng có nhiều ràng buộc, không chỉ là vợ con, cha mẹ già, mà còn ở nội tại muốn an toàn, lười thay đổi. Trong 11 năm làm ở tập đoàn này, Tùng luôn là người tiên phong. Điển hình vào cuối năm 2012, anh đã bỏ vị trí đầy triển vọng tại Việt Nam để đi phát triển chi nhánh Campuchia. "Thời điểm đó chỉ có 12 người người xung phong và ngoài các vị trí bắt buộc thì còn lại đều là nhân viên trẻ chưa có gia đình. Từ 12 người đầu tiên đó, sau 5 năm đã đưa chi nhánh thành công ty cung cấp Internet cố định lớn nhất Campuchia", anh chia sẻ.
Gặt hái được thành công sớm, chàng trai xứ Nghệ cho biết không rơi vào bẫy quyền lực và thu nhập khi chức vị cao. Cá nhân anh thấy dù giàu hay nghèo thì cuộc sống cũng chỉ có 24 tiếng một ngày. Chính vì thế anh luôn trung thành với mục tiêu "cân bằng công việc và cuộc sống".
Phan Dương