Trong lễ tốt nghiệp Đại học Georgetown hồi tháng 5, Nguyễn Lê Đông Hải là một trong những tân cử nhân trẻ tuổi nhất được đeo dải dây xanh-trắng của danh hiệu summa cum laude. Đây là danh hiệu dành cho top 1-5% sinh viên của trường.
Georgetown xếp thứ 22 trong bảng xếp hạng đại học Mỹ của US News. Để đạt danh hiệu này, sinh viên cần có điểm trung bình học tập từ 3,962/4 trở lên, không bị kỷ luật. Đông Hải đạt 3,98 cùng nhiều thành tích học thuật, ngoại khóa.
Theo Hải, bí quyết là sắp xếp thời gian hiệu quả, chủ động kết nối với các giáo sư và tham gia các hoạt động ngoại khóa để hiểu sâu và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.
Sắp xếp thời gian biểu
Chương trình đại học ở Mỹ thường mất 4-5 năm để hoàn thành. Để tốt nghiệp trong ba năm, sinh viên phải học vượt 15-18 tín chỉ mỗi kỳ, nhiều hơn 6 tín chỉ so với thông thường. Như vậy, người học phải thu nạp lượng lớn kiến thức trong thời gian ngắn.
Theo Hải, thời gian biểu hàng ngày phải được sắp xếp rõ ràng, gồm thời gian học trên lớp, làm bài tập và các hoạt động nghiên cứu. Lịch cụ thể có thể linh hoạt tùy theo yêu cầu của từng hoạt động, nhưng học tập luôn được ưu tiên hàng đầu. Với Hải, đây là khoảng thời gian mà các việc khác "bất khả xâm phạm".
Ngoài ra, Hải làm theo Ma trận Eisenhower, tức quản lý thời gian theo tính chất công việc: quan trọng, không quan trọng, khẩn cấp, không khẩn cấp. Cách này giúp Hải quyết định nhanh chóng khi chọn việc cần làm ngay.
Học kết hợp các môn liên quan
Mỗi học kỳ, Đông Hải cố gắng sắp xếp để học hai môn chuyên ngành cùng một môn tự chọn có liên quan. Ví dụ, môn Kinh tế vĩ mô và Ngoại thương (hai môn chuyên ngành) sẽ được xen kẽ với môn tự chọn là Quan hệ tài chính quốc tế.
Lúc này, môn tự chọn sẽ giúp mở rộng góc nhìn của người học về tính ứng dụng của những kiến thức hàn lâm trong môn chuyên ngành. Trong ví dụ trên, "chính sách tiền tệ" là khái niệm cơ bản trong môn Kinh tế vĩ mô, nhưng phức tạp hơn nhiều qua góc nhìn địa chính trị trong môn Quan hệ tài chính quốc tế. Việc học song song giúp Hải có hiểu biết toàn diện hơn.
Chủ động kết nối với giáo sư
Không chỉ tích cực trao đổi trên lớp, Hải thường xuyên đặt câu hỏi cho các giáo sư ngoài giờ học.
Đông Hải từng gặp khó khăn ở học kỳ đầu tiên khi học môn Kinh tế vi mô. Hải nhìn nhận bài giảng của giáo sư rất thú vị nhưng dù đã cố gắng, cậu không sao giải đáp hết những thắc mắc của mình. Hải quyết định hẹn gặp riêng thầy và thành thật chia sẻ.
Sau buổi gặp, Hải xác định được những vấn đề chính mà mình gặp phải, từ đó điều chỉnh việc học. Được thầy khuyến khích gặp mặt mỗi tuần, cậu không chỉ trao đổi khó khăn bài vở mà còn về những vấn đề kinh tế mình quan tâm. Ngoài ra, Hải xây dựng được mối quan hệ học thuật gắn bó với giáo sư, dù sau này không học thầy nữa, cậu vẫn tiếp tục được thầy hướng dẫn trong các hoạt động có liên quan.
Chàng trai quê Quảng Ngãi cho rằng sinh viên nên coi việc trao đổi kiến thức với thầy cô là "cơ hội không thể bỏ lỡ", bởi đó là kiến thức chứa đựng kinh nghiệm uyên thâm của họ trong công việc, cuộc sống và xã hội.
Tham gia các hoạt động ngoài lớp học
Hải là gương mặt quen thuộc trên các ấn phẩm quốc tế như USA Today, The Diplomat với nhiều bài bình luận về các vấn đề kinh tế và địa chính trị. Chàng trai Quảng Ngãi cho rằng việc này không chỉ giúp cậu nghiên cứu sâu hơn những kiến thức đã học, mà còn được tham gia đàm luận với các học giả trong ngành. Những kiến thức hàn lâm cũng từ đây được hình dung rõ ràng hơn trong thực tế.
Theo Đông Hải, tham gia vào các hội, nhóm học thuật còn là cách để sinh viên mở rộng kiến thức, kỹ năng cũng như kết nối với bạn bè, giáo sư và các chuyên gia trong lĩnh vực. Việc này nên bắt đầu ngay từ năm thứ nhất đại học.
Dù vậy, giữa nhiều hoạt động, nên lựa chọn, cân nhắc tham gia thứ mà mình yêu thích và có thể hỗ trợ cho mục tiêu của bản thân.
Phương Anh