![]() |
H&M có mặt khắp nơi trên thế giới. |
Đối với H&M, không có chuyện ở New York, Paris, Milan hay London, giá phải cao hơn ở Barcelona hay Frankfurt. Khẩu hiệu mà H&M đề ra và trung thành đeo bám suốt phần tư thế kỷ qua là "cheap chic", tức sang trọng nhưng giá rẻ. Giá trung bình các mặt hàng ở mọi cửa hàng H&M chỉ là 18 USD...
Bán hàng thì có khác biệt tùy theo từng thị trường. Ở châu Âu, các shop của H&M dường như không khác gì những cửa hàng bách hóa bán đủ sản phẩm thời trang tiêu dùng cho mọi thành viên trong từng gia đình. Nhưng tại Mỹ, shop của H&M tập trung bán hàng kiểu cách mới nhất cho nữ "thượng đế" trẻ tuổi rất sính thời trang.
Công thức “cheap chic” của H&M được giới tiêu dùng biết đến nhiều, không chỉ vì hàng hóa của nhà kinh doanh lẻ này giá cả phải chăng, mà còn vì mỗi năm công ty dành đến 4% tổng doanh thu vào việc quảng cáo, tiếp thị.
Để có nhiều tiền mặt dự trữ sẵn sàng bơm vào việc bành trướng thương hiệu và cơ sở kinh doanh, H&M chi tiêu rất tằn tiện. Các nhà quản trị cao cấp của công ty chỉ được bay với vé hạng doanh nhân trong các trường hợp khẩn cấp. Nhân viên cấp trung đi xe taxi với cước phí vận chuyển do công ty thanh toán sẽ bị hỏi thăm rất kỹ. Trong những năm qua, để giảm chi phí hoạt động xuống mức tối đa, H&M còn thu hồi mọi điện thoại di động đã cấp cho các quản trị viên.
Giới phân tích tài chính ở các ngân hàng và thị trường chứng khoán nhận xét rằng, nhờ tích cực giảm chi phí hoạt động như vậy mà lãi của H&M ngày một tăng cao, giúp công ty có vốn dự trữ để theo đuổi kế hoạch nâng tổng số cửa hàng lên thành 844 vào cuối năm 2002, tức tăng gần 75% sau thời gian 6 năm. Tính đến nay, riêng ở thị trường Mỹ, H&M đã có 45 shop và sẽ mở thêm 20 shop mới trong năm 2003.
Tuy tiết kiệm nhưng H&M biết chi đúng cách. H&M có đội ngũ 95 họa sĩ thiết kế làm việc cho riêng công ty. Mẫu thiết kế của họ được gửi đến 900 cơ sở may gia công ở 21 nước có lao động giá rẻ như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Bangladesh...
H&M cũng đổi nguồn cung cấp rất nhanh, chỉ nhận làm bạn hàng những ai sẵn sàng may cho họ với thù lao thấp nhất. Từ khi bắt đầu thiết kế mẫu áo quần thời trang mới cho đến khi chúng trở thành sản phẩm bày bán trong các cửa hàng H&M, thời gian chỉ là 3 tuần. Nếu như một chiếc áo khoác bằng sợi da thanh mảnh của nhà Dolce & Gabbana có giá đến 1.000 USD thì một chiếc tương tự bán ở shop H&M chỉ là 60 USD.
Ngày nay H&M đã trở thành một thương hiệu trong thế giới những cửa hàng chuyên doanh thời trang lừng danh. Năm 2002 này, trong khi có nhiều đối thủ Mỹ và châu Âu khác đang rúng động co cụm mạng lưới kinh doanh toàn cầu, thì lãi chưa trừ thuế của H&M đạt 833 triệu USD, tức tăng 34% so với năm ngoái, trên tổng doanh thu 5,8 tỉ USD.
Điều đáng nể là doanh thu và lợi nhuận tăng không vì H&M đã bành trướng rộng ra khắp thế giới, mà vì doanh thu vẫn tăng ở từng cửa hàng đã hoạt động từ lâu (khoảng từ 4% đến 5% trong năm nay). Chủ tịch Stefan Persson nay đang ngồi trên đống tiền mặt một tỉ USD, trong khi thị giá của H&M ở thị trường chứng khoán đã lên đến con số 15 tỉ USD, tức qua mặt các đại gia đối thủ hàng đầu là Gap (Mỹ) và Zara International (Tây Ban Nha).
Riêng tại thị trường chứng khoán Stockholm, giá cổ phiếu của H&M qua mặt nhiều công ty tầm cỡ khác của Thụy Điển, mà tăng gấp hai lần so với năm 1998. Giới phân tích tài chính nay gọi H&M là cỗ máy làm ra tiền, chuỗi cửa hàng thời trang lớn nhất châu Âu.
(Theo Business Week)