Trần Mỹ Ngọc, sinh năm 1998, quê Hải Phòng, là cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ học ứng dụng và Truyền thông tại Đại học Melbourne, trường top 1 tại Australia. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi vào tháng 9/2019, Ngọc trở về Việt Nam, trở thành giảng viên trẻ nhất tại Đại học FPT, đồng thời là giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm và trường học liên cấp tại Hà Nội.
Đầu tháng 8, Ngọc giành 11 học bổng thạc sĩ từ 7 đại học của Vương quốc Anh, trong đó có các trường top đầu như Oxford, York, Bristol, Sheffield... Sau khi cân nhắc, Ngọc lựa chọn học bổng của Đại học Oxford, trường top 1 thế giới theo bảng xếp hạng THE 2021, hỗ trợ 25% học phí, trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Ngôn ngữ Anh và miễn 4.000 bảng Anh (khoảng 121 triệu đồng) phí đầu vào. Từ kinh nghiệm của mình, Ngọc chia sẻ cách giành học bổng.
Trở thành sinh viên của Đại học Oxford luôn là mong ước của mình từ rất lâu. Tuy nhiên, theo những gì mình tìm hiểu và được tư vấn, mỗi năm Oxford chỉ có khoảng 5-10 sinh viên Việt Nam nhập học, gồm cả theo dạng học bổng và tự túc, nhưng hiếm ai được trường tài trợ 100% học phí. "Oxford là ngôi trường dành cho hoàng gia và quý tộc", mình đã nghĩ như vậy nên tìm kiếm cơ hội tại các trường khác của Vương quốc Anh.
Sau khi lần lượt nhận học bổng xuất sắc 40% của Đại học York, 50% học phí và hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt của Đại học Northampton, 100% học phí của Đại học East Anglia và học bổng Think Big của trường Bristol cùng hỗ trợ của 3 trường khác nữa, mình nghĩ nên thử lần cuối với Oxford và bắt tay chuẩn bị vào đầu tháng 3.
Thư giới thiệu
Đây là phần khó khăn nhất trong bộ hồ sơ của mình. Đại học Oxford yêu cầu ba thư giới thiệu, trong đó một thư phải từ người có chức vụ từ trưởng khoa trở lên. Mình liên lạc với trưởng khoa Ngôn ngữ của Đại học Melbourne nhưng cô đang trong thời gian nghỉ phòng dịch nên không thường xuyên kiểm tra email. Rất may mắn mình vẫn nhận được sự đồng ý và hồi âm của cô sau gần một tháng.
Bức thư thứ hai mình nhờ chị điều phối chuyên môn của Đại học FPT, nơi mình làm việc sau khi rời Australia về Việt Nam. Bức thư cuối cùng khiến mình phân vân giữa giảng viên Đại học Edinburgh (Anh), nơi mình từng học trao đổi với giảng viên của Đại học Melbourne, người mình hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Cuối cùng, dù cô giáo tại Edinburgh từng tốt nghiệp Oxford, mình vẫn chọn người còn lại vì muốn trường để ý đến tiềm năng của mình ở lĩnh vực nghiên cứu.
Điều đặc biệt khi nhờ thầy cô, cố vấn gửi thư giới thiệu là bạn sẽ không biết nội dung bức thư đó như thế nào. Người viết sẽ trực tiếp gửi cho trường mà không thông qua bạn. Do đó, việc chọn và nhờ người viết thư giới thiệu cần cẩn trọng. Mình nghĩ những mối quan hệ tại đại học vô cùng quý giá mà các bạn nên tận dụng, cố gắng hỗ trợ thầy cô tối đa trong khả năng cho phép, chịu khó tham gia các hoạt động để thầy cô nhớ và ấn tượng với khả năng của mình.
GPA
Mỗi trường đều có yêu cầu riêng về điểm GPA, nhưng thông thường nếu muốn giành học bổng có hỗ trợ tài chính lớn, điểm của bạn phải xuất sắc, tứ 3.6/4.0. Đối với Oxford, trường yêu cầu sinh viên phải có điểm học tập tối thiểu 3.8 nên nếu xác định tìm kiếm học bổng tại đây, các bạn phải cố gắng ngay từ đầu.
Bài luận
Ngay cả khi nộp hồ sơ vào nhiều trường, bạn không nên chỉ viết một bài luận dùng chung cho tất cả. Thứ nhất, các ngành tại một số trường bạn chọn sẽ có sự khác biệt, dù ít hay nhiều. Thứ hai, mỗi trường sẽ có một sứ mệnh, tầm nhìn và triết lý giáo dục, có trường muốn "đào tạo thế hệ giúp đỡ cho thế hệ khác", trường khác lại đặt mục tiêu "đào tạo những người trở thành nhà lãnh đạo". Do đó, khi viết luận cần phải đúng, thể hiện mình đã nghiêm túc nghiên cứu về trường.
Với các trường tại Anh, mình thấy họ không chuộng lối viết sướt mướt, "ôn nghèo kể khổ" theo kiểu "tôi sinh ra lớn lên lại một làng quê", mà chỉ quan tâm đến việc anh vào trường tôi làm gì, kế hoạch ra sao. Trong mỗi bài luận, mình nghĩ bạn nên tập trung trả lời ba câu hỏi:
- Nói về bản thân, định hướng và lý do chọn ngành và trường.
- Với định hướng như vậy, tại sao bạn lại chọn trường và tại sao trường cũng nên chọn bạn?
- Khi trở thành sinh viên, bạn sẽ đóng góp cho trường ra sao và trở thành người như thế nào sau khi tốt nghiệp?
Trong bài luận, mình đã thể hiện mong muốn sau này trở về Việt Nam để làm giáo dục, là một người giữ chức vụ cao trong ngành để ảnh hưởng và những cải cách mình hướng tới sẽ tạo được tiếng vang. Mình bắt đầu viết luận từ tháng 3 và đầu tháng 5 mới nộp.
Về quy trình, các bạn nên viết hoàn chỉnh một bản rồi đọc lại và tự sửa trong hai tuần. Sau khi đã tự tìm ra lỗi và xác định được bố cục trong bài, bạn mới bắt đầu nhờ người khác kiểm tra.
Mình đã nhờ ba người đọc bài luận và xin nhận xét. Người thứ nhất chỉ góp ý về mặt chuyên môn, từ vựng sao cho mượt mà, lịch sự. Người này cần nắm chắc ngữ pháp, văn phong viết luận. Cố vấn thứ hai đã học Oxford, từng giành học bổng, đóng góp về nội dung, ý tưởng. Người cuối cùng mình chọn là người bạn, chưa từng du học và không cần có chuyên môn hẳn về lĩnh vực gì. Họ đóng vai trò là người trung lập, đọc và cho cảm nhận khách quan nhất.
Sau đó, mình tìm đến website Proof Reading để đăng ký sửa luận online. Giám khảo là những học giả, giảng viên, nghiên cứu sinh tại các trường có tiếng trên thế giới. Họ sẽ đọc và giúp mình sửa lại bài luận để hoàn thiện nhất, chi phí khoảng 8-12 bảng Anh/lần (khoảng 240.000-360.000 đồng).
Định hướng nghiên cứu
Không phải tất cả, nhưng một số đại học top cao sẽ yêu cầu phần này ngay cả khi học thạc sĩ, tức bạn chưa chắc chắn đề tài nghiên cứu là gì. Tuy nhiên, bạn vẫn nên chọn một đề tài mình quan tâm, yêu thích và viết về nó.
Trong một đề cương nghiên cứu, bạn cần nêu thông tin tối thiểu như tên đề tài, phương pháp nghiên cứu. Bạn nên nêu hai phương pháp, về chất và lượng, đồng thời đưa ra được khó khăn sẽ gặp phải khi áp dụng mỗi phương pháp này để giải quyết đề tài. Điều quan trọng của định hướng nghiên cứu là bạn cần cho giám khảo thấy mình có kế hoạch rõ ràng, định làm gì trong vòng một năm tới.
Phỏng vấn
Về trang phục, vì gọi video nên bạn mặc một chiếc áo sơ mi, đầu tóc gọn gàng là được. Khi bắt đầu, bạn không nên đợi giám khảo hỏi mình trước hoặc để họ phỏng vấn ngay. Bạn nên chủ động mở lời, nói xin chào, đồng thời hỏi thăm về tình hình dịch bệnh hoặc những câu như "How are you today?" (Hôm nay thầy cô có khỏe không), "Are you working from home?" (Thầy cô đang làm việc ở nhà phải không)... Chỉ với hai câu hỏi năm đơn giản, bạn sẽ giúp không khí bớt gượng gạo và bình tĩnh, tự tin hơn để bắt đầu phỏng vấn.
Giám khảo sẽ hỏi bạn tại sao lại chọn trường, nếu trúng tuyển sẽ dùng học bổng như nào, tại sao bạn là người xứng đáng chứ không phải ai khác, dự định tương lai của bạn... Tuy nhiên, với Oxford, mình bất ngờ khi thầy cô chỉ hỏi về chuyên ngành xem mình có kiến thức ra sao, hiểu biết thế nào. Trong hai người, một giám khảo cởi mở, người còn lại thường chỉ trích và tỏ ra hoài nghi mỗi lần mình trả lời. Điều này khiến mình mất bình tĩnh trong cuộc phỏng vấn, thậm chí có những câu ấp úng, mình đã nghĩ "thôi xong rồi".
Sau này mình mới biết đó là phương pháp thường được áp dụng trong thẩm vấn tội phạm, gọi là "good cop, bad cop", mục đích là để người được hỏi hoảng sợ và thể hiện những gì chân thật nhất. Do đó, các bạn cần bình tĩnh trong cuộc phỏng vấn, không nói dối và tự tin thể hiện những gì mình biết.
Khi được các thầy cô hỏi "Em có câu hỏi gì cho chúng tôi không?", các bạn không nên hỏi những câu như một tuần được làm thêm bao lâu, mà tập trung hỏi về cơ hội học trao đổi với các trường khác, hỗ trợ của trường khi bạn có nhu cầu chuyển ngành nếu học lên cao hơn...
Một cuộc phỏng vấn thường kéo dài 30-60 phút. Trong phần này, IELTS bạn bao nhiêu điểm không quan trọng bằng việc bạn hiểu như nào về chuyên ngành mình đăng ký học. Nếu đạt 7.5 thậm chí 8.0 Speaking nhưng bạn chỉ có thể lưu loát trong các cuộc hội thoại thông thường mà thiếu từ vựng chuyên ngành, điều đó cũng không thể giúp bạn gây ấn tượng và thể hiện bản thân thật tốt trong cuộc phỏng vấn. Do đó, thay vì chỉ rèn kỹ năng, bạn nên trau dồi hiểu biết sâu về chuyên ngành đã chọn.
Thanh Hằng (ghi)