Tự học IELTS khi còn là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, chị Hoàng Ngọc Quỳnh, 31 tuổi, nắm bắt cơ hội du học thạc sĩ trường Nottingham Business, Đại học Nottingham Trent, Anh, sau đó tiếp tục giành học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Lancaster, Anh. Nhờ kinh nghiệm tự học và thành lập trung tâm luyện IELTS, chị Quỳnh rút ra bí quyết để cải thiện trình độ Listening.
Luyện nghe là một trong những khó khăn lớn nhất của người học khi mới bắt đầu đến với tiếng Anh. Mình sẽ chia sẻ các bước trong việc nên bắt đầu luyện nghe từ đâu, cần học những gì để xây dựng nền tảng cho việc nghe hiểu để kỹ năng này không còn là trở ngại khi bạn chinh phục tiếng Anh.
Xác định trình độ nghe của mình đang ở mức nào
Để tìm ra phương pháp phù hợp, trước hết bạn cần trả lời câu hỏi "Bạn mới học tiếng Anh, bắt đầu luyện hay đã nghe tiếng Anh lâu rồi nhưng vẫn cảm thấy khó khăn với kỹ năng này?".
Nếu mới học, việc bạn nghe gần như không hiểu gì là đương nhiên và bạn nên bắt đầu từ các bài dạy từ vựng cơ bản. Trường hợp đã học tiếng Anh lâu nhưng khả năng nghe vẫn hạn chế, bạn cần thay đổi phương pháp.
Bắt đầu bằng những bài nghe đơn giản
Bạn có thể chọn video dạy các câu giao tiếp cơ bản, hội thoại theo tình huống hàng ngày, video dạy từ vựng cơ bản theo chủ đề hoặc các phim hoạt hình đơn giản. Những bài nghe này cần có tốc độ chậm, phát âm rõ ràng, sử dụng từ vựng và các cấu trúc ngữ pháp đơn giản. Mỗi ngày, bạn nên nghe hoặc xem các video đều đặn, ghi chú từ mới và nói theo để kết hợp vừa luyện nghe, nói và học cả từ vựng.
Lưu ý rằng, vốn từ vựng sẽ ảnh hưởng tới việc bạn nghe hiểu được bao nhiêu, vì thế luôn kết hợp luyện nghe nói và từ vựng hàng ngày. Một vài trang luyện nghe cơ bản như BBC Learning English, Spotlight English rất hữu ích, tuy nhiên bạn cũng cần vốn từ vựng nhất định để học theo các kênh này.
Lên thời gian biểu và lộ trình rõ ràng
Việc duy trì luyện nghe đều đặn rất quan trọng, vì vậy bạn nên lập thời gian biểu và lộ trình học nghe để tránh việc từ bỏ giữa chừng. Giả sử, mỗi ngày bạn nghe tập trung ít nhất một tiếng và dành thêm buổi trưa hoặc tối để tiếp xúc nhiều hơn với tiếng Anh.
Thay vì ngồi vào bàn học trong tâm thế mệt mỏi và chán nản, bạn nên kết hợp xem phim hoạt hình, các kênh Youtube nói tiếng Anh dễ nghe, nghe nhạc và dịch lời bài hát... miễn là bạn nghe tiếng Anh và thấy yêu thích nó nhiều hơn mỗi ngày. Việc cải thiện khả năng nghe tiếng Anh đòi hỏi nhiều thời gian, vì vậy đừng bỏ cuộc giữa chừng khi bạn cảm thấy nghe tiếng Anh thực tế mà hầu như không hiểu gì mấy.
Thực hành nghe tiếng Anh tập trung, chủ động
Bạn nên chọn không gian yên tĩnh để nghe tiếng Anh tập trung, chủ động. Khi nghe, bạn cần thực sự nhập tâm để nắm được các ý chính, thậm chí hình dung được ngữ cảnh, những gì đang diễn ra. Bạn có thể kết hợp nghe với việc ghi chép lại từ khóa, đây cũng là cách giúp bạn tập trung tối đa vào những gì bài nghe đang nói đến.
Nếu đã cố gắng nhưng vẫn không thể hiểu được quá khoảng 50% nội dung bài hội thoại, bạn nên chọn nguồn tài liệu dễ hiểu hơn để luyện nghe và tiếp tục tập trung cải thiện từ vựng thật tốt.
Đa dạng nguồn tài liệu nghe
Khi trình độ nghe đã cải thiện hơn, bạn có thể đa dạng hóa nguồn tài liệu nghe để tránh cảm thấy nhàm chán. Youtube có nhiều kênh thú vị để học như Ted Talks hay Discovery Channel. Ngoài ra, các kênh luyện nghe tiếng Anh khác như Elllo, This American Life hay Luke’s English, Engvid là nơi bạn có thể cải thiện khả năng nghe tiếng Anh nâng cao theo nhiều chủ đề và không cảm thấy nhàm chán.
Hoàng Ngọc Quỳnh
Bài cùng tác giả: