Trưa 10/6, các phụ huynh này đã gửi đơn cầu cứu Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đề nghị cho các con được tiếp tục học tại trường. Họ là 3 trong số 1.170 phụ huynh cùng ký tên khiếu nại việc tăng học phí của trường hồi tháng 5.
Chị Vũ Thị Nhàn (ngụ phường Phước Long, TP Thủ Đức) có ba con học tại cơ sở Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, cho biết nhận được thông báo của trường hôm qua - sau gần một tháng hai bên không đồng thuận về việc tăng học phí. "Phụ huynh có bất đồng thì trường cũng không có quyền cho học sinh thôi học. Việc chuyển trường sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, việc học của trẻ", chị Nhàn nói.
Trước đó, chị nhận được thông báo học phí các lớp 2, 5 và 7 của con lần lượt từ 12,6 triệu đồng đến 14,1 triệu mỗi tháng - tăng 15% so với năm trước ở cùng lớp học. Theo chị, hai năm nay, dịch bệnh hoành hành, nhiều gia đình mất thu nhập mà trường lại tăng đến 15% là khó chấp nhận. Lý do mà trường đưa ra để tăng học phí là tập trung cho các khoản đầu tư duy trì chuẩn quốc tế cũng không hợp lý. "Tôi phản ứng học phí và trực tiếp làm việc với lãnh đạo trường để tìm giải pháp chứ không nói xấu, bôi nhọ trường. Do đó, cách ứng xử của trường khi không nhận học sinh là vô lý", chị Nhàn nói.
Phụ huynh khác có 2 con học tại cơ sở Văn Thánh (quận Bình Thạnh) của trường Quốc tế Á Châu cũng rơi vào cảnh tương tự. Bà cho biết đã phản đối mức tăng học phí của trường vì nếu cộng cả mức tăng 14% và tăng hằng năm (lớp sau cao hơn lớp trước), học phí thực tăng trên 20%. Điều này đi ngược lại với thoả thuận giữa hai bên khi nhập học là: học phí có thể tăng theo biến động kinh tế, lạm phát hoặc theo chính sách của Nhà nước. "Dựa theo các yếu tố này, việc tăng học phí là không hợp lý. Chưa kể hai năm trở lại đây, vì Covid-19 mà kinh tế nhiều gia đình sa sút nghiêm trọng", bà nói.
1.170 phụ huynh trước đó đã yêu cầu trường minh bạch, công khai các khoản đầu tư cơ sở vật chất, tăng lương giáo viên, tổ chức các hoạt động ngoại khóa.
Về việc từ chối nhận học sinh vì phụ huynh phản đối mức học phí, đại diện trường Quốc tế Á Châu, ông Cao Quảng Tư (Giám đốc Tuyển sinh), cho biết trường đã đón một nhóm phụ huynh hai ngày 12 và 20/5, giải trình vấn đề học phí năm học mới. Tuy nhiên, một số phụ huynh tiếp tục khiếu nại khắp nơi, liên tục truyền tải những thông tin không chính xác trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của trường và gây hoang mang cho phụ huynh khác.
Theo ông Tư, không phải lúc nào trường cũng có thể đáp ứng được tất cả yêu cầu của từng phụ huynh. Do không nhận được sự đồng thuận và hợp tác từ các phụ huynh trên, trường "không thể nhận tiền học phí để tiếp nhận học sinh tiếp tục học tập tại trường vào năm học 2021-2022".
Theo đại diện nhà trường, sau khi cân nhắc kỹ, học phí các lớp năm học 2021-2022 được điều chỉnh tăng không quá 15% so với năm cũ. Trong đó, lớp 1-5 tăng nhiều nhất 15%; lớp 6-7 tăng 14%; lớp 8 tăng 13%; lớp 9 tăng 12% và lớp 10-12 tăng 11%.
Lý do tăng học phí là hằng năm trường phải đầu tư để duy trì tiêu chuẩn theo tiêu chí kiểm định của các tổ chức giáo dục quốc tế, phát triển các hoạt động, tiện ích phục vụ, nâng cao chất lượng dạy học. Thay vì điều chỉnh học phí một lần thì mới đảm bảo được những tiêu chuẩn trên, trường điều chỉnh dần qua từng năm.
Hệ thống trường Quốc tế Á Châu có 7 cơ sở với hai bậc: tiểu học (IPS) và trung học (AHS). Theo thông báo năm học 2021-2022, học phí tiểu học được chia làm hai nấc: lớp 1-3 (12,61 triệu đồng mỗi tháng); lớp 4-5 (13,37 triệu đồng). Học phí trung học được chia làm 5 nấc: lớp 6-7, lớp 8, 9, 10 và 11-12; dao động 14,14-20,42 triệu đồng.
Học phí gồm chương trình Việt Nam, chương trình quốc tế, sinh hoạt vui chơi, dã ngoại, câu lạc bộ, hoạt động văn hoá thể thao; chưa tính tiền ăn, chi phí đưa rước, giáo trình, đồng phục.