Chị Vũ Thị Nhàn ngụ phường Phước Long, TP Thủ Đức, có ba con học trường Quốc tế Á Châu, cơ sở Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền). Hôm 9/5, chị nhận được thông báo đồng loạt tăng học phí các lớp 2, 5 và 7 của con lần lượt từ 12,6 triệu đồng đến 14,1 triệu mỗi tháng, tăng 14-15% so với năm trước ở cùng lớp học.
Năm vừa qua, mỗi tháng chị đóng cho 3 con hơn 53 triệu đồng học phí, ăn trưa và đưa đón. Với tỷ lệ tăng như trên, năm tới chị phải đóng hơn 60 triệu đồng.
Gắn bó với trường đã hơn 7 năm, chị Nhàn ủng hộ học phí cần phải tăng để học sinh được dạy tốt hơn, cơ sở vật chất tiện nghi hơn. "Hằng năm trường đều tăng, phụ huynh không ý kiến. Nhưng hai năm nay dịch bệnh hoành hành, nhiều gia đình mất thu nhập mà trường lại tăng đến 15% là khó chấp nhận", chị nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Thuý, ngụ TP Thủ Đức, có hai con sắp học lớp 4 và 7 trường này, cơ sở Văn Thánh quận Bình Thạnh, cũng bức xúc. Học phí năm tới của bé lớp 4 được thông báo là 13,37 triệu đồng một tháng; tăng khoảng 14% so với lớp 4 của năm học trước. Tuy nhiên, nếu so với học phí của năm vừa qua (tức lớp 3) là 10,97 triệu, mức tăng là 2,4 triệu đồng, tương ứng 21%. Với con học lớp 7, mức tăng học phí là 14% so với năm cũ.
Trong thư kiến nghị, 1.170 phụ huynh yêu cầu trường công khai, minh bạch về lý do tăng học phí với các khoản rõ ràng: đầu tư cơ sở vật chất, tăng lương giáo viên, tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Bởi nếu cộng cả mức tăng 14% và học phí tăng hằng năm (lớp sau cao hơn lớp trước), học phí thực tăng 20-25%.
Họ cho rằng, trong bối cảnh kinh tế cả nước bị ảnh hưởng Covid-19, nhiều phụ huynh làm nghề kinh doanh lao đao, nhà trường cần điều chỉnh để có mức học phí phù hợp. "Vừa rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị trường không tăng học phí để chia sẻ gánh nặng với phụ huynh, sao trường vẫn tăng nhiều dữ vậy", một phụ huynh ở quận Tân Bình nói.
Đại diện trường Quốc tế Á Châu, ông Cao Quảng Tư (Giám đốc Tuyển sinh) cho biết, học phí các lớp năm học 2021-2022 được điều chỉnh tăng không quá 15% so với năm cũ, sau khi nhà trường cân nhắc kỹ lưỡng. Trong đó, lớp 1-5 tăng nhiều nhất 15%; lớp 6-7 tăng 14%; lớp 8 tăng 13%; lớp 9 tăng 12% và lớp 10-12 tăng 11%.
Theo ông Tư, trường cũng có những biện pháp nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh trong thời gian nghỉ học phòng dịch. Như 3 tháng nghỉ học phòng Covid-19 năm 2020, dù dạy trực tuyến nhưng trường không phụ thu bất cứ khoản nào. Việc dạy trực tuyến trong năm nay cũng được triển khai đầy đủ, trong đó đầu tư lớn về công nghệ, hạ tầng, nhân sự.
Hằng năm, trường phải đầu tư để duy trì tiêu chuẩn theo tiêu chí kiểm định của các tổ chức giáo dục quốc tế, phát triển các hoạt động, tiện ích phục vụ, nâng cao chất lượng dạy học... "Thay vì điều chỉnh học phí một lần thì mới đảm bảo được những tiêu chuẩn trên, chúng tôi thực hiện việc điều chỉnh dần qua từng năm. Trong các trường quốc tế hiện nay, trường chúng tôi có mức học phí thấp nhất", ông Tư nói.
Một nhóm phụ huynh có hai buổi làm việc hồi giữa tháng 5 nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đang xem xét sự việc.
Hệ thống trường Quốc tế Á Châu có 7 cơ sở với hai bậc: Tiểu học (IPS) và trung học (AHS). Theo thông báo năm học 2021-2022, học phí tiểu học được chia làm hai nấc: lớp 1-3 (12,61 triệu đồng mỗi tháng); lớp 4-5 (13,37 triệu đồng). Học phí trung học được chia làm 5 nấc: lớp 6-7, lớp 8, 9, 10 và 11-12; dao động 14,14-20,42 triệu đồng.
Học phí gồm chương trình Việt Nam, chương trình quốc tế, sinh hoạt vui chơi, dã ngoại, câu lạc bộ, hoạt động văn hoá thể thao; chưa tính tiền ăn, chi phí đưa rước, giáo trình, đồng phục.
Hệ thống trường ngoài công lập của TP HCM có hơn 1.000 trường, trong đó khoảng 900 trường mầm non, còn lại là các trường liên cấp, dạy từ tiểu học đến THPT. Trong số các trường ngoài công lập, gần 20 trường có vốn đầu tư nước ngoài, đang dạy chương trình quốc tế, song ngữ.
Một năm trước, mâu thuẫn gay gắt giữa phụ huynh và hàng loạt trường quốc tế ở TP HCM diễn ra khi hai bên không tìm được tiếng nói chung trong cách tính học phí online sau 3 tháng nghỉ chống dịch.