![]() |
Lính gác ở Vatican. Ảnh: letsgo-europe.com. |
Đội cận vệ Vatican mặc đồng phục thời cổ, sọc màu vàng, xanh, đỏ và đội mũ sắt có chóp nhọn đính lông đỏ. Bộ đồng phục này được một đội trưởng đội cận vệ nghĩ ra cách đây hơn 100 năm.
Đội cận vệ Vatican không chỉ đứng gác ở cổng mà nhiệm vụ chính là bảo vệ nơi ở của Giáo hoàng, các nhà thờ mà Giáo hoàng thường làm lễ hay đến thăm.
Họ cũng là vệ sĩ của Giáo hoàng trong các chuyến công cán của ngài. Tất nhiên dịp này, bộ lễ phục thời Phục hưng được thay thế bằng bộ đồ của các vệ sĩ thời hiện đại, kiếm được thay thế bằng súng, lựu đạn cay, máy bộ đàm.
Thực tế, khi mặc lễ phục thời cổ, đằng sau thanh kiếm mà những người lính thường đeo là những khẩu Beretta-38. Cũng như 500 năm trước, lính cận vệ vẫn được dạy sử dụng thành thạo kiếm, dao và các loại vũ khí thô sơ khác. Họ còn phải biết thổi kèn bài Quốc ca Vatican.
Ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ngoài đội cận vệ chính còn một số lực lượng vũ trang khác cùng tham gia bảo vệ Giáo hoàng. Từ tháng 9/1970, các lực lượng vũ trang đó bị giải tán, chỉ còn tổ chức vũ trang duy nhất của Vatican là đội cận vệ Giáo hoàng với quân số chỉ 100 người, bao gồm một đội trưởng chỉ huy, 24 sĩ quan và 75 lính.
Theo truyền thống từ 500 năm trước, phục vụ trong đội cận vệ là những người Thụy Sỹ từ 19 - 30 tuổi, chiều cao không dưới 1m74, chưa lập gia đình và là người Công giáo sùng đạo (có giới thiệu của cha đạo địa phương).
Ngoài ra, ứng cử viên đã qua phục vụ trong quân đội Thụy Sỹ, có hạnh kiểm tốt và biết một số ngoại ngữ. Con cháu của các cựu cận vệ được ưu tiên và tất nhiên phụ nữ không được chấp nhận.
Sở dĩ người Thụy Sỹ được lựa chọn vì từ thời Trung cổ đến thời Phục hưng, họ đã nổi tiếng là những chiến binh dũng cảm và trung thành. Trước đây, lính Thụy Sỹ cũng tham gia bảo vệ nhiều Hoàng gia châu Âu khác. Tuy nhiên, từ năm 1848, Hiến pháp mới của Thụy Sỹ cấm các công dân nước mình phục vụ quân đội ở nước ngoài, chỉ có một ngoại lệ duy nhất dành cho Vatican.
Những đội viên cận vệ chủ yếu xuất thân từ những vùng nói tiếng Đức có truyền thống Công giáo. Các đội viên cận vệ được ký hợp đồng không dưới 2 năm, sau 3 năm phục vụ họ được phép lấy vợ. Đội trưởng là người thuộc dòng dõi quý tộc.
Trường hợp ngoại lệ duy nhất là đại tá Alois Esterman, người đã lấy thân mình che cho Giáo hoàng John Paul II trong vụ ám sát ngày 13/5/1981, ông xuất thân từ gia đình nông dân, rồi trở thành đội trưởng.
Mức lương của lính cận vệ khá khiêm tốn: 1.400 USD/tháng. Ngày nay số lượng ứng cử viên vào đội cận vệ Vatican ngày một giảm do mức lương thấp so với mặt bằng chung ở châu Âu.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, để đảm bảo tốt hơn an ninh cho Giáo hoàng trước các phần tử quá khích, từ năm 2002, Vatican đã quyết định thành lập đội hiến binh người Italy bao gồm 140 người từng phục vụ trong quân đội và cảnh sát để cùng với đội cận vệ bảo vệ Giáo hoàng với lý do họ được đào tạo tốt hơn và có quan hệ gần gũi hơn với cảnh sát Italy.
Mâu thuẫn giữa hai đội ngày càng khó hoá giải khi đội cận vệ cho rằng họ chỉ còn là hình thức và đang đấu tranh để giành lại vị thế của mình.
(Theo Tiền Phong/ Pravda)