Hiện nay khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, Dĩ An, Bình Dương vẫn còn việc mua bán đất như trên. Ảnh: Vũ Lê. |
Anh Tuấn (trú tại Đồng Nai) kể lại, năm 2003, khi đến mua nhà, Công ty Tứ Hải đã trưng ra rất nhiều giấy tờ chứng minh dự án này hợp pháp: quyết định phê duyệt giao đất, bản đồ quy hoạch của UBND tỉnh Bình Dương. Anh đã rất yên tâm ký hợp đồng với Công ty Tứ Hải mua 1 nền đất ở là 100 m2 với giá 120 triệu đồng, trả trước 100 triệu đồng.
"Thế nhưng trong phiếu thu hợp đồng chỉ ghi có 40 triệu đồng. Tôi có thắc mắc thì công ty giải thích là làm như vậy để... trốn thuế. Miễn sao có đất giao cho tôi là được và họ có thêm 1 giấy biên nhận viết tay ngoài phiếu thu cho tôi là 60 triệu đồng" - anh Tuấn cho biết. Công ty hẹn anh đến tháng 5/2006 là hạn chót giao nền. Nhưng đến nay, anh chưa nhận được nền nhà. Gặp chủ đầu tư hỏi cho ra nhẽ, họ đã trả lời: Không có đất! Nếu muốn đòi lại tiền, công ty Tứ Hải sẽ chỉ trả anh... 40 triệu đồng như đã ghi trong phiếu thu.
"100 triệu đồng giao cho Tứ Hải là số tiền làm việc vất vả sau mười mấy năm lao động tha hương và vay mượn bạn bè. Giờ họ chỉ trả có 40 triệu thì làm sao tôi sống nổi", anh Tuấn nghẹn ngào.
Theo tìm hiểu của VnExpress, từ 2003, đã có trên 500 trường hợp người dân từ khắp các tỉnh thành đổ về mua nền nhà trong dự án khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, Bình Dương. Giống như anh Tuấn, nhiều hộ dân lâm vào cảnh bị lừa ngoạn mục như trên. Họ kéo đến công ty đòi giao đất nhưng công ty cứ hẹn khất lần.
Trong số các nạn nhân, bi đát nhất phải kể đến trường hợp của cụ Hà Như Hổ (trú tại huyện Dĩ An, Bình Dương), gần 80 tuổi. Cụ đã ki cóp trợ cấp liệt sĩ bao nhiêu năm của 2 người con trai cộng với số tiền bán sạch ruộng vườn nhà cửa ở Thái Bình để mua nền nhà tại khu công nghiệp Tân Hiệp Đông B, huyện Dĩ An, Bình Dương. Nếu như công ty Tứ Hải không giao đất, cụ không biết sống ở đâu.
Anh Nguyễn Hồng Lĩnh (hiện đang thuê nhà trọ tại Bình Dương) uất ức cho hay: "Tôi và các anh em họ hàng đã mua tổng cộng 6 nền đất của công ty Tứ Hải vào tháng 3/2005. Số tiền bỏ ra lên đến 279 triệu đồng nhưng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng đến 70%. Đau nhất là nhiều người đã bị lừa trước đó mà tôi không biết. Chúng tôi ở xa đến nên chẳng hay biết gì. Hơn nữa, lúc ấy tỉnh Bình Dương vẫn không hề thông báo cho công chúng biết những hành vi kinh doanh lừa đảo của công ty Tứ Hải. Nếu chính quyền cảnh báo quyết liệt, có lẽ chúng tôi đã thoát".
Nhiều nơi quanh khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B vẫn còn trống hoác chưa có hạ tầng nhưng đã bán cho hơn 500 khách hàng với cùng một chiêu lừa giống nhau. Ảnh: Vũ Lê. |
Chủ đầu tư đổi tên hòng né trách nhiệm?
Tháng 9/2006, Công ty Tứ Hải bất ngờ đổi tên thành Phú Mỹ trong khi hàng trăm hộ dân đang gửi đơn kiện đi khắp nơi. Nhiều người bất bình đến đòi đất thì lãnh đạo công ty này trả lời rằng: Không có đất!
Trong biên bản làm việc với các khách hàng ngày 13/3/2007, ông Nguyễn Văn Lý, Giám đốc đền bù Công ty Phú Mỹ viết rằng: "Các anh cứ kiện, công ty chỉ trả tiền gốc cộng với lãi suất, còn tiền chênh lệch không có đủ cơ sở để giải quyết". Trong biên bản này, ông Lý cũng cam kết, trong vòng 1 tuần lễ sau khi lập biên bản, công ty sẽ có văn bản trả lời khách hàng.
Thế nhưng, đến ngày 27/3, theo ghi nhận của phóng viên VnExpress tại công ty Phú Mỹ, khi khách hàng đến đề nghị gặp lãnh đạo công ty, nhân viên cho hay ông Lý đi họp cả ngày. Một số người dân lắc đầu ngao ngán: "Chúng tôi quen rồi, bất kể là ngày nào đến đây cũng không gặp được ban lãnh đạo công ty".
Đại diện nhóm khách hàng đến gặp công ty Phú Mỹ, bà Nguyễn Thanh Thủy (trú tại TP HCM) tuyệt vọng nói: "Chúng tôi đã gửi đơn khắp nơi, thậm chí là đến gặp trực tiếp các cơ quan chức năng: UBND tỉnh Bình Dương, Thanh tra tỉnh, Thường trực tỉnh ủy và các vị lãnh đạo công ty Phú Mỹ... nhưng tất cả đều vô hiệu".
Trao đổi với VnExpress về vụ việc liên quan đến công ty Phú Mỹ, Phó chánh thanh tra tỉnh Bình Dương, đồng thời là trưởng đoàn thanh tra được UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo thanh kiểm tra công ty Tứ Hải, ông Nguyễn Xuân Dũng cho biết: "Ngay từ năm 2003-2004, khi thanh tra tỉnh có những đợt kiểm tra ngẫu nhiên, Công ty Tứ Hải lúc đó đã có dấu hiệu bất thường. Song chúng tôi là cơ quan tham mưu, chỉ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát và báo cáo kết quả về cho cấp trên toàn quyền quyết định chứ không được xử lý ai hết".
Theo ông Dũng, kết quả thanh tra cho thấy, Công ty Tứ Hải đã phạm rất nhiều sai lầm như: chưa xây xong công trình mà đã phân lô bán nền, chưa giải quyết tái định cư mà đã chia năm xẻ bảy bán cho người ngoài, sổ sách và kế toán không rõ ràng, có nhiều dấu hiệu kinh doanh bất chính, lừa gạt người dân và trốn thuế... Vì thế, theo ông Dũng, ngoài trách nhiệm dân sự với khách hàng, Công ty Tứ Hải, tức công ty Phú Mỹ hiện nay sẽ phải chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục lỗi lầm vừa qua.
Phó chánh thanh tra tỉnh Bình Dương cho biết thêm, hiện nay UBND tỉnh đã có thông báo nội bộ cho các sở, ban ngành và Công ty Phú Mỹ phải tuân thủ chỉ đạo của tỉnh theo 2 hướng.
Thứ nhất, Phú Mỹ phải tích cực xem xét, tạo điều kiện và giải quyết cho các khách hàng có hoàn cảnh khó khăn đang tha phương không có nơi ở được nhận nền đất. Thứ hai, Phú Mỹ phải nhanh chóng thanh toán hoặc hòa giải, trả lại tiền cho khách hàng thật thỏa đáng để tránh những manh động gây ảnh hưởng xấu đến danh dự của tỉnh Bình Dương.
Riêng về việc xử lý, kỷ luật và có biện pháp mạnh với Công ty Tứ Hải, tức công ty Phú Mỹ hiện nay, Phó chánh thanh tra Nguyễn Xuân Dũng cho rằng, điều này không thể thực hiện vì những sai phạm liên quan đến luật dân sự, chỉ có thể đem ra tòa án giải quyết. "Chúng tôi rất đau xót cho người dân nhưng rất tiếc là không thể làm gì hơn", ông Dũng nói.
Hiện nay, khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B huyện Dĩ An, Bình Dương vẫn còn là một khu đất trống. Trong 4 năm qua, Công ty Phú Mỹ vẫn chưa hoàn tất cơ sở hạ tầng như đường xá, cống thoát nước, nền móng. Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, trước mắt Công ty Phú Mỹ phải hoàn tất hạ tầng rồi mới tính đến các bước tiếp theo.
Vũ Lê