Hồi cuối tháng 5, Mỹ hủy lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 để phản đối hành vi quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Giới phân tích quốc tế nhận định rằng động thái này có thể kích động các lãnh đạo Trung Quốc điều chỉnh lại lập trường theo hướng ngày càng cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông, theo SCMP.
RIMPAC bắt đầu ngày 27/6 tại vùng biển ngoài khơi Hawaii và miền nam bang California, Mỹ. Hoạt động này sẽ kéo dài 6 ngày với sự tham gia của 26 quốc gia, 47 tàu nổi, 5 tàu ngầm, 18 đơn vị bộ binh và hơn 200 máy bay cùng 25.000 binh sĩ.
Bằng chứng rõ nhất về quan điểm này của Trung Quốc là việc Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cuối tháng trước rằng Bắc Kinh sẽ không để mất "dù chỉ một tấc đất lãnh thổ do tổ tiên để lại". Đây được coi là thông điệp "khiêu khích" mới nhất gửi tới Mỹ ngay vào thời điểm RIMPAC bắt đầu.
Sau chuyến thăm của Mattis, truyền thông Trung Quốc dường như đã phản ứng hòa dịu hơn trước động thái hủy lời mời tập trận của Mỹ, đồng thời khẳng định quân đội hai nước luôn mong muốn duy trì đối thoại cởi mở và thẳng thắn.
Tuy nhiên, chuyên gia hàng hải Collin Koh, thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore bày tỏ quan ngại Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động tại Biển Đông cũng như nguy cơ đụng độ Mỹ - Trung tại vùng biển này.
"Tôi không thấy lạc quan bởi vẫn tồn tại nguy cơ sử dụng vũ lực bất ngờ, bắt nguồn từ những tính toán sai lầm ở cấp chiến thuật và tác chiến của các chỉ huy quân sự trên biển hoặc từ những phần tử nhiệt tình thái quá muốn tự mình giải quyết vấn đề trong lực lượng quân sự của hai bên", Koh nhấn mạnh.
Nhà quan sát chính trị Mỹ Greg Poling cũng nhận định việc Mỹ hủy lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC có thể chỉ là hành động vô nghĩa nếu không đi kèm với một chiến lược hành động cụ thể để kiềm chế Bắc Kinh.
Một dự thảo luật quốc phòng gần đây của Mỹ cũng nói rằng Trung Quốc có thể được mời tham gia trở lại vào RIMPAC 2022 nếu đáp ứng được các tiêu chí về ổn định tình hình ở Biển Đông trong 4 năm, bên cạnh các yêu cầu khác.