Mấy đêm nay vì tình trạng này mà vợ chồng chị Tâm loay hoay không biết làm sao để con ngủ ngon.
Chị Tâm (ở đường Trần Bình, Hà Nội) cho biết, chị có con trai 10 tháng tuổi, nhà chưa có điều kiện sắm điều hòa nên mấy ngày nắng nóng gần đây, hai vợ chồng chật vật tìm mọi cách chống nóng. Vợ chồng chị thuê phòng ở tầng hai của một căn hộ mini. Ban ngày, chị Tâm thường xuyên lau nhà cho mát rồi hai mẹ con chơi, sinh hoạt trên nền đá hoa. Buổi tối, cả nhà thường đưa nhau ra sân Mỹ Đình hay sân khu chung cư gần đó để hóng gió. Buổi đêm, bé nóng nên hay quấy khóc.
"Bật quạt thẳng vào người thì sợ con bị viêm họng, bản thân mình nằm để gió thốc vào cũng thấy mệt và ngạt mũi, nhưng tắt đi hoặc cho quạt quay thì bé nóng toát mồ hôi, trằn trọc, ậm ạch. Cả đêm cứ loay hoay với cái quạt, lúc bật, lúc tắt, khi quay đằng này lúc chuyển hướng khác mà vẫn không yên tâm. Con hôm nay đã chảy nước mũi và quấy rồi", chị Tâm kể.
Sinh con chưa tròn tháng, chị Thảo (Yên Hòa, Cầu Giấy) phải đưa bé về quê chồng ở Thường Tín (Hà Nội) để tiện nhờ hai bà nội, ngoại chăm sóc. Mấy ngày qua, chị khổ sở vì trời oi nóng mà mẹ chồng không cho dùng quạt, sợ "bạt hơi" em bé. Chị và mẹ chồng thay nhau lấy quạt nan quạt cho con. Thỉnh thoảng không chịu được nóng, khi mẹ chồng quay đi, chị vẫn lén bật quạt số nhỏ.
"Con bé con vẫn được bà quấn tã chặt vì các cụ nói cháu vừa ở trong bụng mẹ ra, không được để tuềnh toàng kẻo sẽ sợ hãi. Mình nhiều khi thấy con nóng, mặt đỏ lên, muốn quạt mạnh hay tháo bớt tã ra mà không được", chị Thảo than thở.
Theo bác sĩ Trần Văn Học, Bệnh viện Nhi Trung ương, mấy ngày gần đây, mặc dù số lượng bệnh nhi nhập viện và đến khám không đông (do bệnh viện vẫn kiểm soát lượng bệnh nhân đến để hạn chế lây lan sởi) nhưng rõ ràng, thời tiết nắng nóng bất thường là một trong những yếu tố bất lợi, dễ khiến trẻ đổ bệnh.
Theo bác sĩ, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu nên khó chống đỡ trước các tác nhân bất lợi và kịp thích ứng khi môi trường, thời tiết thay đổi. Nắng nóng tạo điều kiện cho một số loại vi khuẩn lên men, virus phát triển, thức ăn dễ ôi thiu gây cho trẻ các bệnh về tiêu hóa, tay chân miệng... Ở một số vùng dân trí thấp, nhiều người vẫn giữ thói quen ủ ấm, quấn chặt cho trẻ sơ sinh, kể cả khi trời nóng bức, dễ khiến trẻ quá nóng nực mà sinh bệnh, sốt.
Bác sĩ Học cho hay, để chống nóng và phòng bệnh cho trẻ trong mùa này, cần chú ý những điều sau:
- Cho bé mặc thoáng mát: Chọn quần áo chất liệu tốt, có khả năng thấm hút mồ hôi. Mặc cho trẻ phù hợp với nhiệt độ môi trường. Trong một ngày, có thể trưa và chiều nóng nhưng buổi đêm về sáng vẫn hơi lạnh nên cha mẹ cần chú ý tắt quạt hoặc đắp thêm chăn mỏng hay khăn cho trẻ. Ở trẻ sơ sinh, quấn, ủ quá nhiều có thể khiến bé quá nóng, khó chịu, quấy khóc, thậm chí ngứa ngáy, mệt, sốt.
- Hạn chế gió lùa thẳng vào trẻ. Dù sử dụng điều hòa hay quạt làm mát, cha mẹ không nên cho trẻ nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp.
Nếu dùng điều hòa, nên để ở nhiệt độ vừa phải, khoảng 28-29 độ với trẻ 1-2 tháng tuổi, 30 độ với trẻ đẻ non, 26-27 độ với trẻ 3-4 tháng trở lên. Không để trẻ đột ngột vừa ở trong điều hòa lạnh ra ngoài trời nắng nóng.
Khi dùng quạt, tránh để luồng gió xối thẳng vào mặt trẻ. Có thể hướng quạt vào tường, phía chân của bé khi ngủ, để hơi mát lan tỏa ra xung quanh.
- Cho trẻ uống đủ nước và đảm bảo chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Trẻ hay chạy nhảy nhiều, dễ mệt, mất nước nhưng lại thường vì mải chơi mà quên uống. Người chăm sóc cần thường xuyên cho trẻ uống nước để vừa giảm nóng, vừa bù lượng nước bị mất do tiết mồ hôi. Không nên cho trẻ uống nước đá, nước lạnh. Cần cung cấp cho bé chế độ dinh dưỡng đa dạng, các thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu để đảm bảo sức khỏe, tăng cường miễn dịch.
- Không để trẻ chơi ngoài trời khi nắng nóng. Hạn chế ra ngoài trời từ 10h sáng tới 15h chiều, thời điểm nắng nóng nhất trong ngày.
- Không tắm ngay khi trẻ đang đầm đìa mồ hôi hay vừa vận động mạnh, vì việc thay đổi thân nhiệt đột ngột có thể khiến trẻ bị cảm lạnh, viêm họng.
Vương Linh