Charles II sinh ngày 6/11/1661, lên ngôi vua khi mới 4 tuổi. Mẫu hậu của ông điều hành đất nước với tư cách nhiếp chính trong vòng 10 năm, cho tới khi Charles II đến tuổi thiếu niên. Thời điểm đó, gia tộc Habsburg phải đối mặt xung đột chính trị tại châu Âu trong nỗ lực kiểm soát toàn bộ lục địa.
Nhà Habsburg đến từ Áo, là một trong những hoàng tộc có ảnh hưởng lớn nhất châu Âu. Ngoài Tây Ban Nha, họ cai trị cả Hà Lan, Bỉ và một số vùng của Đức. Nhưng Charles II quá xấu xí, dị dạng và kém phát triển về nhận thức, không đủ khả năng cai trị Tây Ban Nha và các nước láng giềng.
Đây được cho là hậu quả từ việc nhiều thế hệ hôn nhân cận huyết thống. Quyết tâm nắm giữ quyền lực của nhà Habsburg dữ dội đến mức họ thường xuyên kết hôn với chính người thân ruột thịt với mình. Sau 16 thế hệ hôn nhân cận huyết, đến đời Charles II, bà và bác gái của ông là cùng một người.
Đặc điểm nổi bật nhất của Charles II là hình dạng xương hàm, còn được gọi là "hàm nhà Habsburg". Hai hàm răng của ông không chạm được vào nhau, nên ông không thể nhai thức ăn. Lưỡi của Charles II còn quá lớn, khiến ông gần như không thể nói được.
Cuộc hôn nhân đầu tiên của Charles II được sắp đặt vào năm 1679 với Marie Louise xứ Orleans thuộc Pháp, cháu gái thứ hai của ông. Tuy nhiên, đại sứ Pháp đã viết đơn gửi lên tòa án Tây Ban Nha, trình bày rằng Marie hoàn toàn không muốn kết hôn với nhà vua bởi ông "quá xấu xí, đến mức gây hoảng sợ và trông ốm yếu".
Lá đơn của đại sứ Pháp phản ánh thực tế là Charles II gần như không thể đi lại, do chân của ông không đủ khả năng chống đỡ trọng lượng cơ thể và ông đã bị ngã vài lần.
Marie qua đời vào năm 1689 và không hạ sinh người thừa kế nào cho Charles II. Hoàng đế Tây Ban Nha được cho là vô cùng suy sụp và bị trầm cảm sau cái chết của người vợ đầu tiên. Trong khi đó, các quan chức và cố vấn khuyên ông nhanh chóng kết hôn lần hai.
Vợ thứ hai của Charles II là Marie-Anne đến từ Neubourg, Pháp, sinh ra trong gia đình gồm 23 người con. Họ kết hôn chỉ vài tuần sau cái chết của Marie Louise. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này vẫn không giúp Charles II có người thừa kế. Nguyên nhân được cho là bởi ông bị liệt dương, một phần hậu quả của hôn nhân cận huyết.
Charles II được suy đoán mắc hai chứng rối loạn di truyền. Đầu tiên, ông được cho là bị thiếu hormone tuyến yên, chứng rối loạn dẫn đến chiều cao hạn chế, liệt dương, vô sinh và yếu ớt, kết hợp với một loạt vấn đề về tiêu hóa. Chứng rối loạn còn lại là toan hóa ống thận xa, với đặc điểm đi tiểu ra máu, cơ bắp yếu và đầu to bất thường so với phần còn lại của cơ thể.
Bi kịch nằm ở chỗ ngoại hình xấu xí và những vấn đề sức khỏe của Charles II không bắt nguồn từ bất cứ hành vi nào của bản thân ông, mà được cho là hoàn toàn do những thế hệ hôn nhân cận huyết trong gia đình.
Trớ trêu là gia tộc Habsburg cho rằng dòng dõi của họ sẽ chỉ tồn tại nếu kết hôn với những người mang dòng máu hoàng gia. Quan niệm này dẫn đến ít nhất hai thế kỷ hôn nhân cận huyết, để lại hậu quả là không có hậu duệ thừa kế ngai vàng.
Charles II qua đời vào năm 1700 ở tuổi 39. Do ông không có con, cái chết đã dẫn đến 12 năm chiến tranh tại châu Âu, còn được gọi là Cuộc chiến Kế vị Tây Ban Nha. Vương triều Habsburg sụp đổ cùng sự ra đi của Charles II.
Ánh Ngọc (Theo ATI)