Pastrana cao 1m35, mắc bệnh hiếm làm tăng lông tóc, khiến mặt và gần như toàn bộ cơ thể bị bao phủ bởi lông, ngoại trừ lòng bàn tay và bàn chân. Tai và mũi to cô bất thường. Hàm răng không đều, môi rất dày và hàm trước nhô ra do bị tăng sản lợi.
Có nhiều đồn đoán về xuất thân của Pastrana. Câu chuyện phổ biến nhất là cô sinh năm 1834, được phát hiện khi sống trong hang cùng mẹ ở Sinaloa, Mexico và được đưa đến một trại trẻ mồ côi. Thống đốc bang Sinaloa nhận nuôi Pastrana và nhận cô làm người giúp việc. Khi tròn 20 tuổi, Pastrana quyết định rời khỏi nhà thống đốc và gặp một "ông bầu" Mỹ, người thuyết phục rằng tương lai của cô nằm trên sân khấu.
Pastrana trở thành ngôi sao trong các chương trình tạp kỹ chuyên giới thiệu các dị nhân hay tiết mục lạ kỳ, lưu diễn ở khắp Mỹ và châu Âu. Cô có thể hát, nhảy, diễn kịch và nói nhiều ngôn ngữ.
Các bác sĩ thời thế kỷ 19 chưa thể xác định được căn bệnh của Pastrana. Một bác sĩ cho rằng cô là con lai giữa người và đười ươi, trong khi một người khác tuyên bố cô thuộc một loài khác biệt, không phải con người. Tuy nhiên, cũng có những nhà khoa học khác nhận ra Pastrana là một phụ nữ bình thường. Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa, mô tả cô là "một phụ nữ tuyệt vời", dù "có bộ râu rậm và trán đầy lông".
Tuy nhiên, quản lý của Pastrana là Theodore Lent luôn mô tả cô là "nửa người, nửa thú" để hút khách đến buổi biểu diễn. Anh ta còn bịa ra câu chuyện mẹ cô sống chung với những con vượn và gắn cho cô các biệt danh như "người vượn", "người gấu" hay "người khỉ". Truyền thông gọi cô là "người phụ nữ xấu nhất thế giới".
Pastrana nổi tiếng đến nỗi Lent lo sợ mất ngôi sao vào tay đối thủ. Anh ta quyết định ràng buộc bằng cách kết hôn với cô vào năm 1854 tại Maryland. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, Pastrana nói rằng cô đã từ chối hơn 20 lời cầu hôn vì các chàng trai đó không có điều kiện kinh tế tốt.
Pastrana mang thai khi đang đi lưu diễn ở Moskva và sinh con vào năm 1860. Bé trai cũng mắc hội chứng giống cô và chỉ sống được hai ngày. Pastrana qua đời vài ngày sau ở tuổi 26.
Lent có vẻ đau đớn vì mất đi nguồn thu nhập chính hơn là mất vợ con. Anh ta bán thi thể cho một giáo sư tại Đại học Moskva, người đã ướp xác bằng phương pháp mới. Lent sau đó nhận ra vẫn có thể kiếm lợi từ người vợ quá cố. Anh ta đòi lại thi thể và trưng bày ở khắp châu Âu trong khoảng 10 năm. Khi khán giả không còn hứng thú, anh ta trao xác ướp cho một bảo tàng ở Anh.
Lent sau đó tái hôn với Marie Bartel, người phụ nữ mắc hội chứng tương tự người vợ quá cố và đổi tên cô thành Zenora Pastrana. Anh ta đòi lại thi thể Pastrana và tiếp tục trưng bày trong hơn 10 năm, để vợ mới biểu diễn bên cạnh xác ướp.
Marie không muốn nhìn thấy xác ướp Pastrana nên họ trao lại thi thể cho một chương trình biểu diễn ở Áo. Marie và Lent sau đó đến Nga, Lent phát điên và bị đưa vào bệnh viện tâm thần năm 1884 rồi qua đời tại đây.
Trong hơn 100 năm, thi thể của Pastrana và con trai đã được trưng bày trên khắp thế giới trong các bảo tàng, rạp xiếc và công viên giải trí, như ở Na Uy vào năm 1921 hay ở Mỹ vào cuối năm 1972. Những kẻ phá hoại đã đột nhập vào cơ sở giữ xác ướp vào tháng 8/1976 và làm hỏng thi thể em bé. Thi thể Pastrana bị đánh cắp vào năm 1979 nhưng sau đó được tìm thấy và lưu trữ ở Na Uy.
Tháng 2/2013, với sự giúp đỡ của chính phủ Na Uy và thống đốc bang Sinaloa Mario López Valdez, nghệ sĩ Mexico Laura Anderson Barbata đưa xác ướp về Sinaloa ở Mexico để chôn cất. Pastrana cuối cùng yên nghỉ tại một nghĩa trang ở Sinaloa de Leyva, gần nơi sinh của cô.
"Tôi thấy cô ấy xứng đáng được quyền lấy lại phẩm giá và vị trí của mình trong lịch sử thế giới", Valdez nói.
Phương Vũ (Theo news.com.au/Vintage News)