Chuyện gì sẽ xảy ra khi một giấc ngủ bình thường lại kéo dài hàng tuần khiến bạn bỏ lỡ hầu hết những sự kiện quan trọng của cuộc sống? Giả thuyết tưởng chừng như vô lý ấy lại chính là những gì mà Georgia Green, một cô gái trẻ tại thị trấn Flagstaff Hill đang phải đối mặt.
Theo News, Georgia Green được ví như "nàng công chúa ngủ trong rừng" khi được chẩn đoán mắc phải hội chứng “người đẹp ngủ” Kleine-Levin. Đây là một hiện tượng hiếm gặp về rối loạn chức năng thần kinh điều khiển giấc ngủ và các hoạt động ăn uống.
Từ năm 15 tuổi, những giấc ngủ bất thường đầu tiên bắt đầu xuất hiện làm xáo trộn cuộc sống của Georgia. Cô vào bệnh viện để làm hàng loạt kiểm tra đánh giá tình trạng sức khỏe, bao gồm xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ não, chụp cắt lớp não song song với dùng thuốc.
Không ai có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về căn bệnh hiếm gặp Georgia mắc phải. Đến khi hồ sơ bệnh án của cô được đích thân giám đốc bệnh viện Nhi, tiến sĩ Mark Pertini thuộc Phân viện Tâm lý xem xét, Georgia và gia đình mới hiểu về khái niệm hội chứng “người đẹp ngủ” Kleine-Levin.
18 tuổi, Georgia đã phải bỏ học vì liên tục vắng mặt trong các kỳ kiểm tra. Georgia kể, khi cô thấy choáng váng chóng mặt là lúc giấc ngủ sâu bắt đầu ập tới. Cảm giác buồn ngủ này mạnh mẽ tới mức hoàn toàn không thể cưỡng lại. Mỗi ngày Georgia phải mất từ 12 đến 18 giờ để ngủ. Trong phần thời gian còn lại, cô luôn rơi vào trạng thái mơ hồ, không đủ tỉnh táo để làm bất cứ việc gì ngoại trừ ăn uống và vệ sinh cá nhân. Ước tính mỗi năm, Georgia trải qua hơn 35 giấc ngủ sâu kéo dài hàng tuần liền, tức là dành gần 6 tháng cho việc ngủ.
Bất lực trước những giá trị cuộc sống mà mình bỏ lỡ, Georgia bảo điều may mắn nhất đối với cô hiện tại là biết được chính xác căn bệnh mình mắc phải để giải thích với mọi người xung quanh khi họ thắc mắc.
Bằng quyết tâm và nỗ lực, Georgia đã trở lại với việc học và tìm được công việc yêu thích. Hiện cô là nhân viên bán hàng cho một cửa hàng nhỏ tại địa phương và theo học hệ cử nhân tại đại học dành cho người khuyết tật.
Klein-levin (KLS) là hội chứng "người đẹp ngủ", bệnh rối loạn thần kinh hiếm gặp với tỷ lệ 1/1 triệu người. Hội chứng này được đặt theo tên nhà thần kinh học người Đức Will Kleine và bác sĩ tâm thần Mỹ Max Levin. Những bệnh nhân mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1925 và 1936. Bệnh thường xảy ra với trẻ trong giai đoạn dậy thì. Người bệnh có thể phải trải qua giấc ngủ kéo dài hàng ngày, hàng tuần, thậm chí hàng tháng. KLS chưa có thuốc trị. Căn bệnh này có thể sẽ tự biến mất khi bệnh nhân 30 tuổi.
Thu Hà