Cửa hàng kinh doanh xe máy trên phố Huế, Hà Nội chỉ trong vòng 2 tháng đã kiếm được vài trăm triệu đồng từ tin đồn xe Air Blade cũ 'sốt' giá. Vào thời điểm Honda chuẩn bị xuất xưởng xe Air Blade phiên bản mới, chị Hương, chủ cửa hàng đã nhập số lượng lớn mẫu xe cũ về để đón đầu thị trường. Xuất phát từ quan điểm: Hàng hiếm là quý, cái gì khan, tất thảy sẽ tăng giá nên chị Hương đã trúng quả trong thương vụ mua bán này.
Chị Hương kể, trong một lần ngồi nói chuyện vu vơ ở quán nước, chị nghe được thông tin: Xe SH của Italy đời 2008 hay Spacy Nhật khi không xuất xưởng đều nâng giá chóng mặt. Air Blade mẫu cũ cũng có khả năng như vậy. Theo đó, chị Hương dốc tiền đầu tư cho model cũ. “Phải đi trước một bước mới thắng, chứ để đến khi thông tin chắc chắn mười mươi thì không có hàng hoặc giá cao lắm. Nhưng nghe và làm theo thông tin vỉa hè cũng phải trên cơ sở thực tế”, chị Hương nhớ lại.
Quả nhiên, hơn một tháng sau đó, mẫu xe AirBlade cũ bỗng đắt khách, giá nâng từ 47 triệu đồng lên 55-57 triệu đồng mà vẫn không đủ bán cho khách. Còn mẫu xe mới, giá chưa đến 40 triệu đồng song sức tiêu thụ khá chậm. Lãi mỗi xe chục triệu đồng, chỉ trong vòng gần 2 tháng, chị Hương bỏ túi hơn 200 triệu đồng.
Tin đồn xăng tăng giá khiến nhiều người đổ xô đi mua xăng dự trữ. |
Trước đó, hồi tháng 4, tin đồn tăng giá đã khiến người dân ở nhiều tỉnh, thành phố đổ xô tới các cây xăng để mua hàng. Một số điểm bán nhỏ lẻ đã tự động niêm yết giá bán cao hơn thực tế. Dù rằng, ngay sau đó, Bộ Tài chính lên tiếng khẳng định đó chỉ là tin đồn thất thiệt, người tiêu dùng cần tỉnh táo để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng.
Trong lúc người dân chen chúc nhau ở các cửa hàng xăng dầu mua hàng với mong muốn tiết kiệm vài chục nghìn đồng, thì một bộ phận người bán lại chờ hốt bạc sau các tin đồn tăng giá này. Có đại lý đóng cửa, treo biển mất điện, hết hàng, nhưng cách đó không xa lại mọc lên một điểm bán xăng lưu động, với giá cao hơn vài nghìn so với niêm yết.
Thị trường bất động sản cách đây vài tháng đang trầm lắng bỗng rộ lên hiện tượng sốt đất phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Các nhà đầu tư lại thi nhau đổ xô đi săn đất chỉ vì thông tin Hà Nội sẽ di dời hàng loạt bệnh viên, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành, mà phần lớn dịch chuyển về phía Bắc. Giá đất ở một vài nơi nhanh chóng bị đẩy lên gấp đôi, gấp ba.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ ông đã thắng khá nhiều "quả" nhờ những tin đồn như vậy. Om đất, lướt sóng kiếm tỷ bạc rồi lại chờ các thông tin có giá trị khác để cắm dùi ở những vùng đất mới là bài vẫn được ông diễn đi diễn lại.
Anh Thắng - chủ một salon ôtô cho hay giới kinh doanh mặt hàng này lâu nay cũng 'sống' nhờ tin đồn, nhất là các thông tin liên quan đến điều chỉnh chính sách thuế. 2008 được coi là năm mà các nhà nhập khẩu ôtô thắng đậm khi Bộ Tài chính chỉ trong vòng vài tháng đã thay đổi chính sách thuế đối với mặt hàng xe hơi tới 4 lần.
"Nước lên, thuyền lên", thuế tăng, giá cũng được điều chỉnh lên vài nghìn USD thậm chí cả chục nghìn đôla Mỹ. Điều đáng nói là, mức giá mới lại được niêm yết với các dòng xe được các nhà nhập khẩu đưa về thị trường trước thời điểm thuế có hiệu lực. Thành thử, người tiêu dùng thiệt còn giới kinh doanh lại thắng đậm.
Thế nhưng, trên thực tế, không phải dân kinh doanh nào chạy theo tin đồn cũng có được may mắn và trúng quả đậm như vậy. Hai tháng trước, nghe nhiều người nói mùa đông năm nay sẽ rét đậm, chị Nga, bán quần áo trên phố Nguyễn Trãi vội nhập vài lô hàng áo bông, áo phao. Chị lo sợ, khi vào chính mùa, giá vừa cao, vừa khan hàng.
Chị Nga kể, trung thu năm nay mưa dầm, không có trăng, thường năm nào như vậy thì đều rét đậm nên chị cũng nghe và nhập hàng sớm. Nhưng đến giữa tháng 11, trời vẫn nắng, hanh, khiến chị ngồi bán hàng giữa lô quần áo đông, bức bách khó chịu mà chẳng có mấy khách. Chị Nga than thở, chưa biết thực hư nóng lạnh ra sao, nhưng giờ vì nghe theo thông tin vỉa hè mà chị đọng vốn, không có tiền đầu tư và nhập hàng khác.
Thông tin chưa ngã ngũ gần đây về chuyện sim EVN sáp nhập với Viettel khiến nhiều người đổ xô đi đầu cơ sim đẹp đầu 096 là ví dụ. Nếu đề án đó được Chính phủ phê duyệt, nhiều người có thể trúng quả đậm. Song, nếu nhà mạng này về tay doanh nghiệp khác như Hanoi Telecom, VTC... đồng nghĩa với việc không ít dân buôn sim lỗ vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ.
Liều lĩnh đầu tư hơn một trăm triệu để “ôm” gần 2 chục sim đẹp đều 096, anh Hải, chủ cửa hiệu trên đường Đại La, Hà Nội vẫn tỏ ra băn khoăn. “Được ăn cả, ngã về không, trong lúc chờ thông tin xác thực cũng nhiều đêm mất ngủ nhưng không liều thì khó giàu lắm”, anh Hải chia sẻ.
Giới kinh doanh sim thẻ cách đây vài tháng cũng gặp hạn nặng chỉ vì tin đồn thuê bao di động lên 11 số. Sim tứ quý, tiến lặp... bỗng rớt giá thảm hại. Nhiều người lo sim bạc tỷ trở thành bạc trăm một khi đề án kéo dài thuê bao di động được thông qua. Khách dù đang có nhu cầu cũng không mấy mặn mà đặt vấn đề mua sim đẹp. Có đại lý kinh doanh nhẩm tính, con số thiệt hại từ tin đồn đổi số thuê bao di động này lên tới vài trăm triệu đồng chỉ trong vòng một tháng.
Hồng Anh - Xuân Ngọc