"Thấy Subin chun mũi từ chối bát cơm đầy đủ dinh dưỡng mà mình đã dày công chuẩn bị, tôi xót lắm. Sợ con không đủ dinh dưỡng, tôi cố ép Subin ăn. Lần nào cũng thế, con cứ nôn thốc nôn tháo, sau đó khóc ngằn ngặt không dứt. Tiếng khóc của thằng bé vang dội cả khu phố. Hàng xóm giờ trêu mỗi lần nghe 'chuông báo động' là biết giờ ăn của Subin. 3 tuổi rồi mà thằng bé như cái kẹo", chị Thu Thảo than thở.
Thực tế, trận chiến trong những bữa ăn là chuyện thường gặp ở nhiều gia đình trẻ hiện nay. Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 5% trẻ em lười bú ngay khi vừa sinh ra, khi ở lứa tuổi 2 - 3, tỉ lệ biếng ăn lên đến 40%-50%. Một kết quả bất ngờ được các chuyên gia chỉ ra: "thủ phạm" gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ là bố mẹ.

Sợ con ăn không đủ chất, nhiều bà mẹ cật lực nhồi nhét thức ăn, ép trẻ ăn cho bằng được, hậu quả là các bé sợ hãi khi bước vào bữa ăn. Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo: ép ăn không chỉ chỉ gây ra tình trạng biếng ăn mà còn làm tăng nguy cơ mất cân bằng dinh dưỡng ở trẻ. Điều này đã được chứng minh qua qua khảo sát tình trạng dinh dưỡng của trẻ em khu vực Đông Nam Á công bố vào đầu tháng 3 vừa qua. Kết quả là 50% trẻ em Việt Nam thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu như A, B1, C, D, sắt…
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi cho biết: "Các bà mẹ có tâm lý ép trẻ ăn khẩu phần đã được cân đo đong đếm cẩn thận. Tuy nhiên, nghịch lý ở đây là những bữa ăn này hoàn toàn hợp lý về mặt khoa học nhưng lại chẳng hợp lý chút nào về mặt tâm lý hay khẩu vị, và trẻ sẽ nhất định từ chối hoặc ăn vào rồi ói ra, hoặc vừa ăn vừa khóc…".
Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng là mẹ hãy để trẻ được tự tìm niềm vui ăn uống qua các giác quan như vị giác, xúc giác (được cầm, bốc, xúc thức ăn), thị giác (ly chén đĩa ngộ nghĩnh, màu sắc của thức ăn) trong một không khí thoải mái, có ánh mắt, nụ cười của người thân. Ở tuổi này, các bé đã bắt đầu thích khám phá thế giới, vì vậy, thay vì cứng nhắc đặt bé vào ghế ăn, khăn yếm chỉnh tề, mẹ hãy để bé được ngồi nơi bé thích, chọn thức ăn bé muốn ăn… Ngoài ra, những câu chuyện ngộ nghĩnh về thực phẩm, những hình thù đáng yêu của chén, ly, tách, những màu sắc xanh đỏ của rau, cà rốt… cũng sẽ giúp bé hứng thú với các bữa ăn hơn.
Bên cạnh những cải tiến trong cách cho trẻ ăn, các bà mẹ cũng nên đổi mới cách chế biến thực phẩm bởi đây là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ không mặn mà với chuyện ăn uống. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để cân bằng dinh dưỡng, thường bữa ăn cho trẻ cần có những nhóm thực phẩm chính gồm chất bột, chất đạm, chất béo, rau, trái cây và sữa. Đa phần phụ huynh đều biết những điều này, nhưng thay vì chế biến đa dạng, cha mẹ lại lặp đi lặp lại "điệp khúc" khoai tây - cà rốt - củ dền hầm xương - thịt bằm..., khiến trẻ chỉ cần ngửi thấy một trong những thành phần đó là đã bỏ chạy…
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi khuyên: Để đạt cân bằng dinh dưỡng, không nhất thiết phải trộn lẫn thức ăn với nhau hoặc chọn các món ăn được xem là tốt hay bổ dưỡng; đừng trừng mắt khi trẻ chỉ ăn cơm cùng trứng chiên, nước tương, bạn có thể dụ bé ăn thêm một vài miếng tôm, thịt nướng, trái cây tươi, sữa chua… Nếu trẻ chán cơm, bạn có thể cho ăn cháo hoặc bánh mì, bánh qui… Khi trẻ không muốn ăn nữa, mẹ hãy "mặc kệ", sau đó cho trẻ ăn bù vào bữa kế tiếp. Dù bé ăn rất ít thì bạn cũng nên kết thúc bữa ăn trong khoảng 20 - 30 phút, đừng kéo dài thời gian, bởi thức ăn không còn nóng, không đủ dinh dưỡng và ảnh hưởng đến bữa ăn kế tiếp. Ngoài ra, các mẹ có thể bù phần năng lượng thiếu hụt cho con bằng một ly (tương đương 200ml) Dutch Lady Complete ngay sau bữa ăn hoặc một đến 2 giờ sau.
Ngọc Bích