Ngày 4/6, Pearson bị tòa phúc thẩm Washington DC ra quyết định đình chỉ hành nghề luật vì "chiến thuật kiện tụng của ông ta đi quá giới hạn của sự hiếu thắng và biến tướng thành lạm dụng". Pearson từ đó bị cho là đã vi phạm quy tắc ứng xử nghề nghiệp là "cấm kiện tụng phi lý" và "cấm cản trở hoạt động tố tụng".
Quyết định trên xuất phát từ việc Pearson khởi kiện một tiệm giặt là vào năm 2005 với cáo buộc đánh tráo quần và không làm mình vừa ý như nội dung trên biển hiệu "Đảm bảo sự hài lòng". Yêu cầu bồi thường của Pearson tăng dần từ 30.000 USD lên tới 54 triệu USD, bao gồm ba triệu USD cho "sự phiền muộn, bất tiện, và stress" do mất quần, 90.000 USD là phí thuê xe để đi giặt ở cửa tiệm khác xa hơn,...
Năm 2007, Pearson bị xử thua kiện vì "hành động thiếu thiện chí" và "không có cơ sở nhận bồi thường". Cùng năm, ông ta bị bãi nhiệm chức thẩm phán tòa hành chính của Washington DC do "thiếu phẩm chất cần có".
Tới năm 2016, Pearson mới bị đề xuất xem xét kỷ luật với mức phạt đình chỉ hành nghề luật 30 ngày và thử thách hai năm, nhưng mức phạt này bị từ chối vì quá nhẹ.
Trước tòa phúc thẩm, Pearson lập luận rằng việc xem xét kỷ luật bị trì hoãn quá lâu nên cần hủy mọi cáo buộc. Nhưng theo tòa, vì mọi tình tiết trong sự việc đều được công khai, sự trì hoãn không ảnh hưởng tới công tác bào chữa của Pearson.
Theo tòa phúc thẩm, Pearson có tình tiết giảm nhẹ là "không có tiền sử bị kỷ luật", nhưng mức độ nghiêm trọng của sự việc và thái độ không hối lỗi là tình tiết tăng nặng.
Quốc Đạt (Theo Bloomberg Law, Law)