Tori Geib gặp ba bác sĩ chuyên khoa thấp khớp để điều trị chứng đau lưng. Tháng 2/2016, cô được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, uống thuốc. Một tháng sau tình trạng đau nặng hơn, Geib phải nhập viện cấp cứu hai lần, uống thuốc steroid để giảm đau, chống viêm. Các bác sĩ cho rằng cô mắc bệnh tự miễn hoặc do làm việc quá sức. Bệnh tự miễn là bệnh do hệ miễn dịch cơ thể sinh ra một số chất quay lại tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể.
Cuối tháng 3, Tori Geib phát hiện có gì đó bất thường ở vùng ngực. Sau khi chụp X-quang và các sinh thiết xét nghiệm, Tori Geib được xác định bị ung thư vú đã di căn.
Tori Geib điều trị ở Đại học Ohio, ung thư vú đã ở giai đoạn cuối, di căn phá hủy các đốt sống. Các bác sĩ phải phẫu thuật tạo hình đốt sống cho cô trước khi bắt đầu điều trị ung thư vú.
Ở giai đoạn đầu của quá trình điều trị, bác sĩ áp dụng liệu pháp hormone để làm chậm sự phát triển khối u. Sau đó, Tori trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, xạ trị. Cô phải chịu rất nhiều đau đớn, vùng ngực trái bị cứng, bỏng phóng xạ dạ dày. Ung thư làm suy giảm khả năng hoạt động, cô phải chống nạng, dùng xe lăn, xe tập đi.
Người mắc ung thư vú di căn có thể sống trung bình 18-36 tháng kể từ khi phát bệnh. Khoảng 22% người sống sót sau 5 năm điều trị căn bệnh này. Biết rõ thời gian sống còn ngắn ngủi, Tori Geib cố gắng sống tích cực, thường xuyên gặp bạn bè và tham gia các nhóm hỗ trợ trực tuyến cho phụ nữ bị ung thư vú di căn.
Cô cũng khuyên mọi người nếu nghi ngờ với chẩn đoán của bác sĩ hãy trình bày quan điểm, kiểm tra tại nhiều cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và sớm nhất.
Lê Cầm (Theo Health)