Trả lời:
Khi bị cúm, bạn có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà bằng các biện pháp đơn giản. Với triệu chứng nghẹt mũi, khó thở, rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày hoặc xông hơi với gừng, sả, bạc hà, hoặc tinh dầu sẽ giúp thông thoáng đường thở, giảm tích tụ dịch nhầy. Nếu đau rát họng, nên súc miệng bằng nước muối sinh lý 2-3 lần mỗi ngày để sát khuẩn. Đối với sốt cao, sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn.
Tuy nhiên, cần theo dõi sát sao các triệu chứng, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền hoặc sức đề kháng kém. Đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc, ho nhiều, khó thở, tức ngực, môi tím tái, cơ thể suy kiệt, mất nước nghiêm trọng (khô môi, không tiểu tiện trong nhiều giờ).
Trong quá trình điều trị, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh lây nhiễm cho người khác. Đồng thời, chú ý bổ sung nước, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Sau khi khỏi bệnh, khuyến khích tiêm vaccine cúm để tăng cường đề kháng, phòng ngừa tái nhiễm.
Việc tiêm vaccine cúm mỗi năm một lần là rất cần thiết, ngay cả khi đã từng mắc bệnh. Đây không chỉ là biện pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn giúp hạn chế nguy cơ lây lan cho người thân và cộng đồng.
![Ảnh minh họa: Bùi Thủy](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/14/buoc-1-1-1574-1660018278-17395-7611-5372-1739502967.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=etrBNIr6WgBvX_8YYqYOHg)
Ảnh minh họa: Bùi Thủy
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM