Ngày 10/11, phiên xử đại gia xăng dầu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 72 người trong đường dây Buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Lại Văn Quyết (chủ cây xăng Lại Thanh Tùng ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai) và một số chủ cây xăng khác.
Ông Quyết bị cáo buộc từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021 đã mua 10.000 lít xăng trong đường dây của Hữu, thu lợi bất chính hơn 10 triệu đồng. Trả lời HĐXX, ông này thừa nhận hành vi. "Bị báo rất ân hận và đã nộp lại 15 triệu đồng để khắc phục hậu quả", ông Quyết nói và giải thích thêm lý do bán xăng lậu "vì thương người dân chứ không có ý định trốn thuế".
"Cây xăng bị cáo ở nông thôn, lại đang bị rút giấy phép vì chưa đạt tiêu chuẩn về hạ tầng, bồn chứa nên thời gian đó không nhập xăng hợp pháp được. Thấy người dân không có chỗ mua xăng phải dắt bộ rất tội, nên bị cáo mới mua xăng lậu về bán với số lượng ít", ông Quyết phân trần.
Đối với một số chủ cây xăng khác được xét hỏi trong chiều nay cũng thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng truy tố và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ.
Trước đó, trả lời HĐXX trong phiên làm việc chiều 9/11, bị cáo Phạm Thị Hương (Giám đốc Công ty TNHH Dầu khí Thanh Bình) khai, được Nguyễn Thế Anh (nguyên đại tá chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) giới thiệu mua xăng lậu của Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ ở kho Nam Phong với giá rẻ để bán thu lợi bất chính.
Bà này cho biết, đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình hình kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, không có doanh thu nên đã lấy xăng lậu về bán. Ban đầu, bị cáo mua xăng từ Tứ, nhưng sau đó đã giao dịch với Lê Thanh Trung (Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam 01 SWP).
"Nhiều năm liền bị cáo buôn bán hợp pháp nhưng chỉ vì lòng tham đã phải trả giá quá đắt. Bị cáo mong HĐXX xem xét vì bản thân có con nhỏ và gặp khó khăn do vay mượn ngân hàng nhiều", Hương nói và cho biết sẽ cùng gia đình khắc phục số tiền thu lợi bất hơn 4 tỷ đồng.
Nhà chức trách xác định, từ đầu tháng 3/2020 đến đầu tháng 2/2021, bị cáo Hương đã lấy hơn 7,9 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 102 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 4,1 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm Phan Thanh Hữu và Viễn đã dùng tàu Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn), Western Sea (5.000 tấn) vận chuyển 48 chuyến xăng lậu với tổng cộng hơn 198 triệu lít, trị giá hơn 2.596 tỷ đồng về Việt Nam. Trong đó, nhóm này đã tiêu thụ hơn 197 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 156 tỷ.
Ngoài việc hợp tác với Hữu, cuối năm 2020, Viễn cùng Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua hai tàu biển Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Sau khi tàu Pacific Ocean của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được sang qua hai tàu trên, đưa vào cảng Bắc Vân Phong chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ. Từ tháng 2 đến tháng 4/2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng
Ngày 11/11, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi đối với bị cáo Ngô Văn Thụy, cựu cán bộ hải quan với cáo buộc Nhận hối lộ.
Dự kiến, sớm nhất là một tháng nữa tòa mới tuyên án.
Phước Tuấn