Sự việc xảy ra tối 4/1 khi trinh sát cơ ATL2 của hải quân Pháp đang tiếp cận đường băng căn cứ Lann-Bihoue, nhưng thông tin chỉ được giới chức công bố hôm qua.
Nghi phạm chưa rõ danh tính đã dùng bộ phát laser cầm tay để chiếu vào phi cơ, buộc tổ lái hủy hạ cánh và tăng độ cao để bảo đảm an toàn. "Kíp bay sau đó sử dụng hệ thống cảm biến của chiếc ATL2 để định vị nguồn phát laser với độ chính xác rất cao", thông cáo của hải quân Pháp có đoạn.
Tổ bay sau đó nhận diện nghi phạm, ghi lại bằng chứng bằng hệ thống cảm biến và chuyển cho cảnh sát địa phương. Giới chức lập tức bắt nghi phạm và tịch thu thiết bị, thêm rằng người này đang đối mặt với nhiều cáo buộc.
Hải quân Pháp không cho biết cách máy bay phát hiện bị chiếu laser, nhưng giới chuyên gia quân sự cho rằng các phi công có thể đã nhìn thấy tia laser bằng mắt thường, do mẫu ATL2 không được trang bị hệ thống cảnh báo chiếu laser hoặc cảnh báo tên lửa tiếp cận.
Khả năng hiệp đồng nhuần nhuyễn giữa phi công và các kỹ thuật viên vận hành cảm biến ở khoang sau giúp họ truyền đạt thông tin, cho phép kích hoạt các cảm biến như thiết bị chụp ảnh quang điện/hồng ngoại Wescam MX-20 lắp dưới bụng máy bay. Hệ thống này có thể định vị mục tiêu với độ chính xác cao và tham chiếu với bản đồ để đánh dấu tọa độ cần theo dõi.
Đây không phải lần đầu tiên máy bay ATL2 bị chiếu laser khi hạ cánh. Một người từng bị kết án 6 tháng tù vì hành động tương tự hồi năm 2018. Chỉ huy căn cứ Lann-Bihoue cho biết 10 máy bay từng bị chiếu laser trong 9 tháng hồi năm 2014.
Hải quân Pháp cảnh báo những người sở hữu và sử dụng bộ phát laser công suất cao có thể phải ngồi tù 6 tháng và nộp phạt 7.500 euro. Hành động chiếu laser vào máy bay có thể gây tổn thương mắt cho phi công, cũng như gây nguy cơ tai nạn nghiêm trọng nếu tổ bay mất thị lực khi đang hạ cánh.
ATL2 là máy bay tuần thám biển được phát triển cho hải quân Pháp trong thập niên 1980, dựa trên thiết kế trinh sát cơ tầm xa Breguet Br.1150. Hải quân Pháp là lực lượng duy nhất còn vận hành loại phi cơ này, trong khi các phiên bản cũ hơn từng được biên chế trong quân đội Đức, Italy, Hà Lan và Pakistan.
Vũ Anh (Theo Naval News)