Jonathan Toebbe, người từng làm việc với vai trò kỹ sư hạt nhân trong hải quân Mỹ, cùng vợ, Diana, ngoài 40 tuổi, bị Cục điều tra Liên bang (FBI) bắt hôm 9/10 và buộc tội vi phạm Đạo luật Năng lượng Nguyên tử, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Trong gần một năm, cặp đôi này đã bán thông tin mật liên quan đến thiết kế của các tàu chiến chạy bằng năng lượng hạt nhân cho một cá nhân mà cơ quan điều tra tin là đại diện của "cường quốc nước ngoài". Tuy nhiên thực tế, người nhận thông tin là một đặc vụ ngầm FBI.
Jonathan Toebbe, người có quyền truy cập vào các dữ liệu mật về tàu chiến hạt nhân, đã hợp tác với vợ để bán dữ liệu về lò phản ứng nguyên tử trên tàu ngầm với giá khoảng 100.000 USD bằng tiền điện tử.
Theo bản khai có tuyên thệ, Toebbe hồi tháng 4/2020 mail tài liệu tới đại diện của một chính phủ nước ngoài "chứa mẫu dữ liệu bị hạn chế và hướng dẫn cách thiết lập liên lạc bí mật".
FBI lúc bấy giờ đã chặn email trên vào đóng giả làm đại diện của chính phủ nước ngoài để thiết lập mối quan hệ với cặp đôi này.
Đặc vụ FBI gửi cho Jonathan Toebbe, mật danh "Alice", email hứa hẹn tặng quà thay cho lời cảm ơn về những dữ liệu mật. Nhưng Toebbe phản ứng khá thận trọng, yêu cầu thiết lập một địa điểm trao đổi bí mật và mọi thanh toán đều phải sử dụng tiền điện tử.
Những tháng sau đó, cặp đôi đã chuyển nhiều thẻ SD dữ liệu tới cho đặc vụ FBI. Ở lần trao đổi đầu tiên, "thẻ SD được bọc bằng túi nhựa và đặt giữa hai lát bánh mỳ trong một chiếc bánh sandwich bơ đậu phộng".
Những thẻ SD khác được giấu trong một phong kẹo cao su và bọc bằng miếng dán vết thương. Cặp đôi bị bắt khi đang giao một thẻ SD khác tại địa điểm trao đổi.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đã ca ngợi các cơ quan liên quan vì giúp "ngăn chặn âm mưu" và "đưa thủ phạm ra công lý".
Bộ Quốc phòng không đưa ra bình luận. Cặp đôi dự kiến hầu tòa án liên bang ở Tây Virginia vào ngày 12/10.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ đã trở thành tâm điểm thu hút chú ý gần đây, sau khi nước này cùng Australia và Anh tháng trước công bố thỏa thuận liên minh quốc phòng AUKUS. Theo đó, Australia đã hủy hợp đồng đóng tàu ngầm truyền thống trị giá hàng tỷ USD từng ký với Pháp để quay sang phát triển tàu ngầm hạt nhân với công nghệ chuyển giao từ Mỹ và Anh. Sự việc khiến mối quan hệ giữa các bên liên quan trở nên căng thẳng, Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Paris về nước nhằm thể hiện phản đối.
Vũ Hoàng (Theo AFP)