Tàu New Horizons đến điểm cách sao Diêm Vương 12.500km hôm qua, trở thành tàu vũ trụ đầu tiên bay ngang qua hành tinh băng đá. Nó cũng sẽ tiến đến điểm cách Charon, mặt trăng lớn nhất của sao Diêm Vương, 27.200 km.
Những dữ liệu đầu tiên gửi về cho thấy nó lớn hơn và chứa nhiều băng đá hơn chúng ta vẫn tưởng.
"Dữ liệu sẽ được chuyển về từ không trung," Alan Stern, điều tra viên chính của nhiệm vụ này, phát biểu trên CNN, "tàu vũ trụ sẽ phát đi những hình ảnh tốt nhất từ trước đến nay của sao Diêm Vương và mặt trăng Charon."
"Pluto và Charon đều làm chúng ta sững sờ," Stern nói. "Tôi nghĩ điều ngạc nhiên nhất là sự phức tạp mà chúng ta thấy trên hai ngôi sao này." New Horizons sẽ du hành với vận tốc 14km/giây trong cuộc chạm trán kéo dài từ 8-10 tiếng này, NASA cho biết.
Con tàu thực hiện nhiệm vụ thăm dò hệ Mặt Trời của NASA. Nó cũng giúp Mỹ trở thành nước đầu tiên đưa tàu vũ trụ đến mọi hành tinh, từ sao Thủy đến sao Diêm Vương. New Horizons đã đi 4,8 tỷ km để tiếp cận sao Diêm Vương.
Vào ngày 4/7, các nhà khoa học đã hốt hoảng khi mất liên lạc với tàu vũ trụ vì một máy tính ngừng hoạt động khi đang giám sát nhiệm vụ tại Phòng thí nghiệm vật lí ứng dụng của Đại học Johns Hopkins, Maryland.
"Chúng tôi đã tăng tốc độ nhiệm vụ ngay nhưng một số dữ liệu bao gồm hình ảnh đã bị mất," Stern nói. Hiện tàu vũ trụ và nhiệm vụ khảo sát đang hoạt động ổn định. Stern nói các thiết bị của tàu vũ trụ đều hoạt động một cách hoàn hảo, và con tàu sắp tới đích.
NASA thông báo trên website của mình rằng những hình ảnh của sao Diêm Vương khi con tàu bay ngang qua và khi tiếp cận sẽ được công bố vào hôm nay. Nhiệm vụ chính của New Horizons là vẽ bản đồ bề mặt sao Diêm Vương và mặt trăng Charon để tìm hiểu khí quyển của ngôi sao này và thực hiện đo đạc nhiệt độ.
Con tàu được phóng vào 19/1/2006, trước khi nổ ra cuộc tranh luận xoay quanh việc sao Diêm Vương có phải một hành tinh hay không. Tháng 8 năm đó, Hội thiên văn quốc tế xác định sao Diêm Vương là một hành tinh lùn. Tuy nhiên ông Stern không đồng tình với ý kiến này.
"Chúng ta mới biết đến sự tồn tại của các tiểu hành tinh, trước đó thì hoàn toàn không," ông nói, "thực tế là trên phương diện khoa học hành tinh, các vật thể như sao Diêm Vương và các hành tinh lùn khác trên vành đai Kuiper vẫn được coi là hành tinh và gọi là hành tinh trong các buổi hội thảo hay thảo luận khoa học."
New Horizon có 7 thiết bị đo lường giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sao Diêm Vương và các mặt trăng của nó đồng thời khám phá sự tương tác của các ngôi sao này với các hành tinh khác trong hệ Mặt trời.
Những hành tinh gần Mặt Trời nhất như sao Thủy, sao Kim, Trái Đất và sao Hoả đều có nhiều đá. Sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương là những ngôi sao khí khổng lồ (nơi khí heli và hidro chiếm ưu thế trong khí quyển). Sao Diêm Vương thì khác, dù nằm ngoài khu vực của các hành tinh khí, nó vẫn có về mặt rắn và nhiều băng đá.
Sao Diêm Vương nhỏ, với diện tích chỉ bằng nước Mỹ. Mặt trăng lớn nhất Charon cũng chỉ tương đương bang Texas. Ngoài ra nó còn bốn mặt trăng nhỏ hơn là Nix, Hydra, Kerberos and Styx.
Trước khi tiếp cận sao Diêm Vương, New Horizons đã cung cấp những thông tin mới về hành tinh này. Nhiều ảnh chụp cho thấy rất nhiều điểm đen gần xích đạo của sao Diêm Vương, mỗi cái rộng đến hàng trăm km. Tàu New Horizons trông như chiếc đàn piano dát vàng. Nó cao 0,7m, dài 2,1m và rộng 2,7m. Vào thời điểm phóng, nó nặng gần 500 kg.
Nó sẽ không hạ cánh xuống sao Diêm Vương mà tiếp tục bay, tiến sâu hơn vào vành đai Kuiper, nơi mà các nhà khoa học cho rằng được tạo thành bởi hàng trăm vật thể băng đá.
"Vũ trụ đa dạng hơn là chúng ta tưởng, và điều đó thật tuyệt vời," Stern nói, "phát hiện thú vị nhất là những điều mà chúng ta chưa bao giờ lường trước được."
Ngô Minh (theo CNN/Guardian)